Xử lý trường hợp “doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn” như trường hợp người sử dụng lao động mất tích

(SGGPO).- Theo Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền gửi đến Quốc hội trước thềm phiên trả lời chất vấn trực tiếp (vào sáng 19-11), trong 8 tháng đầu năm nay, theo báo cáo nhanh của 5 địa phương, gồm: Hải Dương, Hòa Bình, Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM, 95 doanh nghiệp tại các địa phương này đã nợ lương của 5.340 người lao động lên tới 32,632 tỷ đồng. Còn tính đến hết năm 2013, thì trong 76 doanh nghiệp nợ 80,2 tỷ đồng tiền lương của 10.017 lao động có một doanh nghiệp FDI nợ 210 lao động 1,26 tỷ đồng. Số còn lại có 13 công ty 100% vốn nhà nước nợ 934 lao động 15,5 tỷ đồng, 18 công ty cổ phần nợ 4.229 lao động 26,3 tỷ đồng.

Ngoài việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội cũng là một thực trạng rất đáng suy nghĩ. Đến hết 30-9, số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 7.067,1 tỷ đồng, còn nợ bảo hiểm thất nghiệp là 565,6 tỷ đồng. Có 203 doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam với 5.874 lao động, tương ứng với số tiền nợ bảo hiểm xã hội 55 tỷ đồng; trong khi các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể về trường hợp này đề giải quyết chế độ cho người lao động.

Bộ đề xuất giải pháp nghiên cứu bổ sung quy định xác định “doanh nghiệp có chủ sở hữu bỏ trốn” áp dụng tương tự như trường hợp người sử dụng lao động “mất tích” theo tuyên bố của tòa án.

Vấn đề đáng lưu ý khác – vẫn theo báo cáo của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết quý III năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) là 7,02%, tương đương 543.820 người, chiếm 43,9% tổng số người thất nghiệp. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (lần lượt là 4,3% và 3,32%). Có 174 ngàn lao động có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục