Xử lý từ gốc

Khai thác vàng sa khoáng, vàng lộ thiên ở miền Trung rộ lên từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Cơn lốc khai thác vàng không chỉ xói mòn bao sông suối, gây sập đổ núi mà còn tác động tiêu cực đến thói quen, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số với việc phát sinh các tệ nạn buôn gian bán lận, lừa đảo, gây rối trật tự trị an. Càng về sau, hấp lực của khai thác vàng kéo lao động của nhiều tỉnh phía Bắc vào, trật tự trị an càng bất trắc, rồi bùng phát ô nhiễm cyanua, tệ nạn xã hội... Hiện tình hình khai thác vàng trái phép vẫn cứ diễn ra rầm rộ trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định… là những địa danh nóng gắn liền với “vàng tặc”.

Nói đến “vàng tặc” là nói đến sự chết chóc. Quả vậy, cuộc chiến giành lãnh địa đang diễn ra triền miên trên các bãi vàng. Các cuộc thanh trừng đẫm máu trên từng bãi vàng tạo ra các trùm “vàng tặc” khét tiếng mà ngay cả những nhóm thanh niên địa phương kinh nghiệm đi rừng làm vàng, làm trầm ở Quảng Nam phải né xa.

Đã có những cuộc tảo quét “vàng tặc” quy mô lớn của lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương, nhưng vàng tặc vẫn nhởn nhơ tồn tại. Dư luận cho rằng, các trùm “vàng tặc” luôn được sự bảo kê của địa phương, các cuộc truy quét chỉ đẩy đuổi được các “vàng tặc nghiệp dư” mà thôi, những đầu nậu lớn luôn thoát hiểm (?).

Đã có bao cái chết tức tưởi vì sập hầm, đổ núi, lũ ống bất thần - hệ lụy của khai thác vàng trái phép. Gần đây nhất, đã xảy ra 2 vụ sập hầm vàng tại Hoài Ân (Bình Định) và Tương Dương (Nghệ An) làm 9 người thương vong.

“Vàng tặc” lộng hành, người dân bức xúc, chính quyền bất lực trong quản lý. Gần đây, Quảng Nam và Bình Định đã tính đến phương án dùng thuốc nổ để “bình định” các bãi vàng với mong muốn xóa sạch “vàng tặc”. Nhiều người ủng hộ, nhưng không ít người nghi ngờ hiệu quả của biện pháp mạnh này. Đó là do lâu nay các địa phương chỉ xử lý từ ngọn, chỉ chú trọng đẩy đuổi mà thiếu các biện pháp quản lý con người, tạo công ăn việc làm cho người lao động ở vùng núi, trung du. Lại thiếu hẳn quy hoạch và cộng đồng trách nhiệm trong việc tổ chức quản lý tài nguyên. Đồng thời, chế tài chưa mang tính răn đe cao đối với hành vi xâm phạm tài nguyên quốc gia.

Bao giờ các tỉnh miền Trung hết “vàng tặc”? Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ cho đến khi có giải pháp xử lý từ gốc. Khi tài nguyên quốc gia trên dải Trường Sơn tiếp tục bị thất thoát, cuộc giành giật bãi vàng trái phép vẫn còn âm ĩ, tai nạn lao động, xung đột giữa các nhóm lợi ích vẫn diễn ra,  máu của phu vàng vẫn còn chảy, môi trường khô kiệt…

TRẦN KHA

Tin cùng chuyên mục