Chuyện xe quá tải không phải bây giờ mới có mà đã diễn ra từ nhiều năm trước. Tất nhiên có nguyên nhân do tình trạng xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng và hiệu lực pháp lý không cao. Đáng lo hơn, điều này làm cho hệ thống cầu đường mau hư hại, xuống cấp do xe chở quá tải ngày càng nhiều. Gần đây, liên ngành Bộ GTVT và Bộ Công an đã tổ chức tập trung kiểm tra xử phạt và hình thành các trạm cân để giám sát các xe chở quá tải trên quốc lộ 5 từ Hải Phòng đi các tỉnh, quốc lộ 470 và các quốc lộ đi qua các thành phố lớn. Tuy nhiên trên các tuyến đường liên tỉnh, nội tỉnh, việc này vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, có ý kiến cho rằng hình thức kiểm tra này chỉ là phần ngọn của giải pháp ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải.
Nhìn lại 15 năm qua, riêng ở TPHCM, đã có 3 đợt vận động các chủ xe, doanh nghiệp không chở hàng quá tải, nhưng thường chỉ sau vài tháng, đâu lại vào đấy. Do chỉ áp dụng trong phạm vi TPHCM nên xe các tỉnh dồn về thành phố cạnh tranh lấy hàng chở quá tải, buộc các chủ xe và doanh nghiệp vận tải ở thành phố cũng phải làm như vậy mới giữ chân được chủ hàng.
Để không phiền phức và phát huy năng lực, thời gian vận tải của các thành phần kinh doanh vận tải, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải hàng hóa TPHCM, đề nghị giải pháp giám sát xe quá tải phải bảo đảm 3 yếu tố, hệ thống cầu đường có trọng tải phải phù hợp với trọng tải xe theo thiết kế của nhà sản xuất, giải pháp phải áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước và xử lý tại kho cấp hàng, nghĩa là giám sát tại gốc.
Các chế tài của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản dưới luật đã có nhưng chỉ xử phạt nhắm vào chủ xe và tài xế là chưa đủ. Hiện nay, cơ quan chức năng phát hiện xe vi phạm giao thông, xe chở quá tải căn cứ vào điều khoản vi phạm xử phạt chủ yếu là tài xế và chủ xe hoặc chủ doanh nghiệp vận tải, còn chủ hàng thì luật chưa đề cập tới. Vì vậy khi xảy ra tình trạng xe chở quá tải vi phạm giao thông hoặc bị phát hiện xe làm hư hại cầu đường thì pháp luật nên chăng cần điều chỉnh bổ sung trách nhiệm của đối tượng cấp hàng mới công bằng.
Bao giờ chủ hàng hoặc đối tượng cấp hàng cũng muốn giảm chi phí vận chuyển nên thường buộc doanh nghiệp vận tải, chủ xe chở hàng trong thời gian nhanh nhất và chủ doanh nghiệp vận tải cũng từ đó muốn có lợi nhuận nhiều và nhanh cho xe chở quá tải để sớm hoàn tất hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Luật sư Thái Văn Chung đồng tình ý kiến xử phạt cả chủ hàng và cho biết thêm, đa số các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải để vận chuyển hàng hóa, lượng hàng vận chuyển hiện nay trên thị trường chiếm 80% từ các doanh nghiệp này. Để giữ chân các chủ hàng hoặc không để mất nguồn hàng vận chuyển, nhiều doanh nghiệp vận tải phải chịu sức ép và nhiều thiệt thòi từ các chủ hàng, nhất là các chủ hàng nước ngoài luôn gây áp lực và buộc các doanh nghiệp vận tải phải làm theo ý muốn của họ.
Mỗi chuyến hàng đều có phiếu xuất kho, hóa đơn vận chuyển hàng tại kho và có giấy đăng kiểm, giấy đăng ký xe ghi rõ trọng tải được phép chở là bao nhiêu. Theo chúng tôi, căn cứ vào đó mà pháp lý hóa trách nhiệm liên đới của đối tượng cấp hàng nếu để xảy ra xe chở quá tải. Chúng tôi tin rằng nếu thực hiện việc này thì trước mắt sẽ có tác dụng răn đe xe chở quá tải trên các quốc lộ. Cũng với biện pháp đó, trên các đường liên tỉnh và đường nội đô ở các tỉnh thành, xe cũng không dám chở hàng quá tải trọng cho phép, vì nếu bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt truy ra đối tượng cấp hàng thì không chủ hàng nào dám yêu cầu xe chở quá tải.
NGỌC XUÂN