Xử phạt nghiêm người trú mưa dưới cầu gây ùn tắc giao thông

Tại TPHCM, vào những ngày mưa lớn, không hiếm cảnh người dân chen lấn, xô đẩy, cố gắng tìm một chỗ trú mưa dưới gầm cầu vượt (ảnh), hầm đường bộ...  Điều tưởng chừng kỳ lạ này diễn ra khá thường xuyên, gây kẹt xe, ùn tắc giao thông cục bộ tại nhiều tuyến đường, khiến lực lượng chức năng rất vất vả điều tiết, phân luồng trong mưa gió. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử phạt nghiêm những người trú mưa cố tình gây ùn tắc giao thông.
Xử phạt nghiêm người trú mưa dưới cầu gây ùn tắc giao thông

Tại TPHCM, vào những ngày mưa lớn, không hiếm cảnh người dân chen lấn, xô đẩy, cố gắng tìm một chỗ trú mưa dưới gầm cầu vượt (ảnh), hầm đường bộ...  Điều tưởng chừng kỳ lạ này diễn ra khá thường xuyên, gây kẹt xe, ùn tắc giao thông cục bộ tại nhiều tuyến đường, khiến lực lượng chức năng rất vất vả điều tiết, phân luồng trong mưa gió. Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần xử phạt nghiêm những người trú mưa cố tình gây ùn tắc giao thông.

Một trong những điểm trú mưa bất đắc dĩ phải kể tới gầm cầu vượt thép Thủ Đức (xa lộ Hà Nội), gầm cầu vượt Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (gần ngã tư Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), hầm chui Tân Tạo (quận Bình Tân)… Khi cơn mưa lớn bất ngờ đổ ập xuống, cũng là lúc người dân lưu thông trên đường nháo nhào tìm chỗ mặc áo mưa hoặc trú mưa, bất kể đó là người lái mô tô, bán hàng rong, hay xe ba gác. Người này dồn người kia, lớp sau xô lớp trước đậu xe dưới lòng đường, trong khi lưu lượng xe cộ rất đông, khiến cho giao thông tại khu vực trú mưa trở nên hỗn loạn. Ngạc nhiên ở chỗ, có người không thèm mặc mà máng áo mưa lên xe, dựng xe dưới lòng đường, sau đó bước vào lề nhắn tin hoặc chơi điện tử; bất chấp tiếng bíp còi xin đường…

Chính những người dân sinh sống gần khu vực có cầu vượt, hầm chui cũng bức xúc vì lưu thông khó khăn, do người tham gia giao thông chiếm dụng lòng đường làm nơi tránh mưa. Chị Nguyễn Thị Mận (nhà ở gần Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, quận 9) phản ánh: “Cứ có mưa là chân cầu vượt Thủ Đức trở thành điểm trú mưa. Dân mình cũng lạ, thích chạy theo đám đông. Một người dừng lại trú mưa là nhiều người khác lần lượt làm theo. Cứ vậy, hàng trăm người dồn cục chiếm hết lòng đường lưu thông, thì làm sao xe khác chẳng mắc kẹt”. Còn bạn Hoàng Anh, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm (quận Thủ Đức), kiến nghị: “Tại sao, các đơn vị chuyên trách không xử phạt thật nghiêm những người trú mưa thiếu ý thức, cố tình lấn chiếm lòng đường, gây ùn tắc giao thông? Bởi thực tế, trời mưa đường trơn, lòng đường bị lấn chiếm nên các phương tiện giao thông khác lưu thông chật chội, chèn ép nhau, dẫn đến va quẹt… Ngoài ra, có khi người đi đường bị lạc tay lái, té ngã gây tai nạn do không tránh kịp những chiếc xe bất ngờ dừng giữa đường để trú mưa”. 

Theo Điểm đ Khoản 3 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP, quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã chỉ ra: Đối với mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và xe gắn máy vi phạm “Dừng, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông” sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng. Riêng đối với hành vi “Dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định” (Điểm d Khoản 5 Điều 6) mức phạt lên tới 500.000 - 1.000.000 đồng. Như vậy, nếu đối chiếu vào các mức xử phạt này, những người dân cố tình cản trở giao thông, trú mưa dưới chân cầu vượt, hầm vượt… sẽ bị xử phạt không nhẹ.

Quy định đã ban hành, có hiệu lực gần 2 năm qua, nhưng thử hỏi đã bao nhiêu người vi phạm phải chịu mức phạt trên. Theo đại diện một số cơ quan chuyên trách, việc tránh mưa gây kẹt xe chủ yếu liên quan tới ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, cách hiệu quả nhất, đó là song song với việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, cần xử phạt nghiêm minh các hành vi sai phạm. Có như vậy, mới kéo giảm tình trạng ùn tắc, kẹt cứng giao thông liên quan đến người trú mưa gây ra

   THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục