Xử thật nghiêm vu khống qua mạng

Tuần qua, một câu chuyện trên các trang mạng xã hội, trang tin điện tử lại cho thấy một thực trạng nhức nhối về việc chuyển tải thông tin hiện nay. Tất cả bắt đầu từ một cá nhân đưa hình ảnh một phụ nữ trung niên đang ngồi trong quán ăn với một người phụ nữ cao tuổi và chú thích rằng “người mẹ thèm ăn trong khi người con nhất quyết không cho ăn mà bắt về nhà ăn cơm nguội”.
Xử thật nghiêm vu khống qua mạng

Tuần qua, một câu chuyện trên các trang mạng xã hội, trang tin điện tử lại cho thấy một thực trạng nhức nhối về việc chuyển tải thông tin hiện nay. Tất cả bắt đầu từ một cá nhân đưa hình ảnh một phụ nữ trung niên đang ngồi trong quán ăn với một người phụ nữ cao tuổi và chú thích rằng “người mẹ thèm ăn trong khi người con nhất quyết không cho ăn mà bắt về nhà ăn cơm nguội”.

Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền, được nhiều trang tin điện tử trích dẫn như một bài học về sự bất hiếu… Thế nhưng, mọi sự chỉ vỡ lở khi người thân của hai nhân vật lên mạng giải thích rằng, hôm đó người con chở mẹ đi công chuyện, do chỗ đó chỉ có mỗi quán này nên ghé vào ăn trong khi chờ, người mẹ không ăn được món đó nên từ chối ăn.

Thông tin được chính chủ quán và một số người khác có mặt ở đó xác nhận và kết quả là người đăng thông tin ban đầu vội xóa mà không một lời giải thích.

Đây không phải lần đầu và cũng chưa phải lần cuối, nhiều cá nhân bỗng dưng thấy mình trở thành “người xấu” từ những thông tin kiểu như vậy trên mạng. Cách đây không lâu, có nhân viên trẻ đi làm, bỗng thấy cả công ty nhìn mình với vẻ tiêu cực, thậm chí lãnh đạo trực tiếp còn gọi lên nhắc nhở giữ gìn đạo đức, uy tín cho công ty…

Thì ra tất cả ở một tấm ảnh trên mạng, trong đó anh mặc đồ bảnh bao, đi xe xịn dừng trước một căn nhà, phía sau có một phụ nữ lớn tuổi vẻ lam lũ, khuôn mặt đáng thương. Bức ảnh chú thích kiểu “đứa con bất hiếu sống sung sướng bỏ mặc mẹ mình vất vả, xem thường mẹ”. 

Người thanh niên kinh ngạc vì anh chẳng biết người phụ nữ lớn tuổi kia là ai, sao tự nhiên lại thành mẹ mình? Dĩ nhiên, sau đó mọi việc được giải thích khi hình ảnh mẹ ruột anh, xuất hiện và bạn bè cũng phát hiện phụ nữ kia là người bán vé số, có lẽ lúc đó bà đang mời anh mua vé và có ai đó tình cờ chụp được tấm ảnh trên theo một góc chụp cố ý gây hiểu nhầm.

Việc sử dụng mạng xã hội ngày một trở nên phổ biến. Ảnh minh họa: Internet

Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, kiểu đưa thông tin “câu like” tạo giật gân còn gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Tiêu biểu như khi cả thế giới căng thẳng đối phó với virus Ebola thì có hai vợ chồng thản nhiên đưa thông tin “người thân trong bệnh viện tiết lộ virus này đã xuất hiện tại Việt Nam, Nhà nước đang che giấu…”. Người dân hoang mang, cơ quan công an vào cuộc và cuối cùng mọi thứ đều rõ ràng, vợ chồng kia chẳng quen ai ở bệnh viện, cũng chẳng có thông tin gì. Chẳng qua cố ý đưa thông tin giật gân nhằm thu hút mọi người chú ý đến trang bán hàng trực tuyến của gia đình.

Hệ lụy của những câu chuyện trên vô cùng to lớn, nhẹ cũng ảnh hưởng đến cuộc sống, vất vả giải thích; nặng có trường hợp tự tử, thậm chí như trường hợp virus có thể gây xáo trộn cả xã hội. Thế nhưng, biện pháp ngăn ngừa những hành vi như vậy còn quá nhẹ. Nặng nhất cũng chỉ xử phạt hành chính vài triệu đồng, còn chủ yếu là kêu gọi có trách nhiệm trong việc chuyển tải thông tin hay người đọc cần bình tĩnh trước các thông tin trên mạng.

Pháp luật có quy định cụ thể về hành vi “vu khống”, trong khi đó vu khống qua mạng gây hậu quả rất lớn, ảnh hưởng trên phạm vi rộng nhưng vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Đã đến lúc cần có các biện pháp quyết liệt hơn đối với những hành vi xâm phạm, bôi nhọ cá nhân như vừa qua bởi với công nghệ ngày càng hiện đại, tính riêng tư ngày càng trở nên mong manh và nếu không có các biện pháp chế tài mạnh mẽ, tình trạng xâm hại cá nhân qua mạng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây bất ổn cho xã hội và cho mỗi cá nhân.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục