Xứ Tulip xây... đảo Tulip

Xứ Tulip xây... đảo Tulip

Đầu tuần này, Thủ tướng Hà Lan, Jan Peter Balkenende, vừa yêu cầu Ủy ban Cải cách (cơ quan thuộc chính phủ) chuẩn bị báo cáo khả thi về dự án xây đảo nhân tạo để trình lên Quốc hội vào ngày 17-1-2008. Dự án xây đảo nhân tạo có tên “Đảo Tulip” này nhằm giúp giảm tình trạng thiếu đất xây dựng ở các thành phố do dân số gia tăng và tạo lá chắn bảo vệ vùng duyên hải chống nước biển ngày càng dâng cao “tấn công” vào đất liền...

Giữ đất, lấn biển

Xứ Tulip xây... đảo Tulip ảnh 1

Tàu phun cát lấn biển của Công ty Van Oord

Các nhà khoa học dự báo, do trái đất ấm dần lên, mực nước ở vùng bờ biển Hà Lan sẽ tăng thêm đến 85cm trong thế kỷ tới. Trong lúc đó, Hà Lan là một trong những nước có mật độ dân đông nhất thế giới với 485 người/km2 và có đến phân nửa trong tổng số 16 triệu dân xứ tulip sống dưới mực nước biển. Do ở dưới mực nước biển và bị nạn ngập lụt thường xuyên, người Hà Lan có kinh nghiệm hàng trăm năm trong việc giữ đất, lấn biển... Các  nhà thầu Hà Lan đã đem kinh nghiệm đi “đánh thuê” khắp thế giới. Nay chính phủ muốn các công ty đó chứng tỏ khả năng ở ngay đất nước mình.

Đảo nhân tạo “Tulip” có hình đóa hoa tulip,  diện tích 100.000ha, dài khoảng 50km, sẽ được xây ở vùng Biển Bắc. Đảo nhân tạo này sẽ giúp Hà Lan đối phó nguy cơ từ sóng biển, xâm thực, ngập lụt... ngày càng tăng. Đảo sẽ giúp mở rộng các khu nhà ở, trang trại canh tác hoặc bảo tồn tự nhiên... vừa giúp bảo vệ vùng duyên hải. Với kỹ thuật hiện đại, dự án có tính khả thi cao nhưng chi phí đầu tư cũng không nhỏ, dự kiến đến... 10 tỷ euro (14,69 tỷ USD). Tuy nhiên, do giá đất tăng cao đang đe dọa vị trí nhà xuất khẩu nông sản hàng thứ ba thế giới của Hà Lan, nên đảo nhân tạo này được cho là sẽ nhanh chóng hoàn vốn cho dự án.

Những tranh luận về xây đảo Tulip chủ yếu đến từ các nhà môi trường và cộng đồng sống ở vùng duyên hải. Lý do họ đưa ra là chi phí quá cao và sẽ tác động đến vùng bờ Biển Bắc, một trong những nơi có hệ sinh thái nhạy cảm nhất thế giới. Theo Tổ chức Môi trường North Sea Foundation, đảo nhân tạo này đe dọa làm thay đổi hệ thống vận tải thủy, công nghiệp đánh cá và ảnh hưởng các loài chim di trú...

“Tay nghề” hàng trăm năm

Xứ Tulip xây... đảo Tulip ảnh 2

Đảo Tulip sẽ nằm dọc bờ Biển Bắc, giúp bảo vệ vùng duyên hải Hà Lan

Hà Lan vốn có lịch sử dài hàng trăm năm chống nạn ngập lụt và lấn biển. Một cuộc thăm dò hồi tháng 10 do Công ty nghiên cứu TNS NIPO và Hội Chữ thập đỏ tiến hành cho thấy, người Hà Lan sợ nạn ngập lụt còn hơn cả sợ... khủng bố và họ rất tin tưởng vào các chuyên gia cùng kỹ thuật chống ngập nước của mình.

Từ xa xưa, những cư dân đầu tiên ở Hà Lan đã phải chống lụt bằng cách xây nhà và trang trại ở các vùng đất cao. Từ những năm 1300, cối xay gió đã được dùng để bơm nước khỏi các vùng đất thấp. Đến thế kỷ 14, bơm hơi nước làm công việc này. Năm 1932, Hà Lan hoàn thành tuyến đê khổng lồ dài 32km bao kín vùng Zuiderzee khỏi bị nước từ Biển Bắc tràn vào, rút nước khỏi một vùng rộng 1.650km2 để làm đất ở. Sau những đợt ngập lụt lớn năm 1953 làm hơn 1.800 người chết, Hà Lan khởi công một trong những dự án xây dựng lớn nhất thế giới: “Dự án Delta”, nâng đê, ngăn các cửa biển và xây “hàng rào” khổng lồ chống sóng Biển Bắc vốn cao đến 10m....

Các công ty chuyên giữ đất, lấn biển của Hà Lan đã hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới. Tập đoàn Boskalis đã xây đảo cho sân bay ở Hồng Công (Trung Quốc) và đang có dự án xây khu resort lấn biển “Wave” của Oman. Đảo nhân tạo “Cây cọ” của Dubai xây ở vùng Vịnh cũng không thể thiếu một nhà thầu Hà Lan là Công ty Van Oord....

HỒNG CHUYÊN (theo Reuters, Times)

Tin cùng chuyên mục