Thời điểm đầu năm 2013, đơn hàng xuất khẩu (XK) dệt may tăng trưởng khá tốt nhưng bước vào quý 3-2013, những tín hiệu vui trên đang giảm dần, đơn hàng đã bắt đầu chựng lại.
Nhà nhập khẩu giảm đặt hàng
Với tăng trưởng XK mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2013, ngành dệt may đã có tín hiệu lạc quan trong XK so với cùng kỳ năm 2012. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), XK dệt may đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, XK vào thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất, khoảng 44,8% tổng kim ngạch XK toàn ngành, với 3,94 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2012; EU đạt 1,29 tỷ USD tăng 18%, chiếm 14,7% tổng kim ngạch; Nhật Bản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 24,5%, chiếm tỷ trọng 12,5%; Hàn Quốc tăng 32%, đạt 660 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,5%.
Theo đánh giá của Vitas, XK dệt may đạt tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm 2013 là do sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam từ cuối năm 2012. Trong 4 thị trường chính của XK dệt may là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thì tăng trưởng ở EU vượt sự mong đợi khi mà trong năm 2012 thị trường này chỉ tăng trưởng rất thấp, ở mức 1 con số. Nguyên nhân này là do doanh nghiệp Việt Nam chủ động mở rộng thị trường, không chỉ XK sang các nước phát triển của EU mà năm nay XK sang nhóm các nước đang phát triển ở EU. Vitas nhận định, với tăng trưởng và làn sóng dịch chuyển mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian gần đây, XK dệt may vào Nhật Bản sẽ đạt xấp xỉ với EU. Dự kiến, tăng trưởng XK dệt may cả năm 2013 sẽ vượt mục tiêu 12% đề ra, vượt 19 tỷ USD.
Tuy nhiên, tín hiệu vui diễn ra trong những tháng đầu năm đang giảm dần khi mà lượng hàng đặt, xuất đi trong những tháng cuối năm được các doanh nghiệp (DN) dệt may đánh giá không thể phong phú, hấp dẫn bằng thời điểm đầu năm. Dù DN không thiếu đơn hàng sản xuất nhưng sự chựng lại của thị trường cũng là vấn đề cần quan tâm. Theo các DN dệt may, việc đơn hàng tăng mạnh trong thời điểm đầu năm là do các nhà bán lẻ, nhập khẩu nước ngoài buộc phải tăng lượng hàng cung ứng để bán ra thị trường khi mà trong năm 2012 đã giảm số lượng sản xuất, để tránh tồn kho vì sức mua giảm. Nền kinh tế thế giới chưa sáng sủa, các nhà bán lẻ, nhập khẩu nước ngoài cũng đang trong tình trạng thăm dò, sau khi tăng mạnh lại quyết định giảm lượng hàng cũng là điều tất yếu. Với thị trường Nhật Bản, sau khi tăng trưởng nóng, với 24,5% trong 6 tháng đầu 2013, việc đồng yên mất giá đã làm nhà nhập khẩu giảm bớt lượng hàng, vì việc mất giá dẫn đến giá cả tại thị trường Nhật đắt hơn nên sức mua cũng bị ảnh hưởng.
Chi phí đầu vào tiếp tục gia tăng
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo dài trong 5 năm qua tạo không ít khó khăn cho DN sản xuất, XK. Để cầm cự, vượt qua khó khăn, chấp nhận giảm lợi nhuận để chăm lo tốt đời sống người lao động là một trong những giải pháp thiết thực được DN sử dụng nhiều lao động như dệt may áp dụng. Thế nhưng, khoảng cách giữa thu và chi đang ngày một thu hẹp, nhiều DN không đủ chi dẫn đến thua lỗ, đóng cửa. Một DN dệt may lớn tại TPHCM cho biết, chỉ tính đến việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng trong năm 2013, ở vùng 1 như TPHCM tăng từ 2 triệu đồng/tháng lên 2,35 triệu đồng/tháng, thì DN phải chi trả thêm khoảng 5 tỷ đồng cho việc chi trả lương, bảo hiểm xã hội… Chỉ mới tính đến tăng lương tối thiểu vùng, với mức tăng 350.000 đồng/người/tháng, trong năm 2013 quỹ tiền lương của DN tăng lên 15% so với năm 2012. Chưa biết lợi nhuận kinh doanh trong năm 2013 của DN có tăng thêm được 5 tỷ hay không, nhưng trước mắt đã thấy mất 5 tỷ đồng!
Các DN mới vừa cộng sổ thu chi cho 6 tháng đầu năm 2013 thì giá điện đột ngột tăng thêm 5%, rồi lại tiếp tục chuẩn bị cho lộ trình tăng lương tối thiểu vùng của năm 2014. Theo 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng đưa ra cho năm 2014, với mức tăng thêm 450.000, 350.000, 250.000 đồng/người/tháng; nếu áp dụng mức tăng thấp nhất 250.000 đồng/người/tháng thì quỹ tiền lương trong năm 2014 của DN nói trên sẽ tăng thêm 11% so với quỹ tiền lương của năm 2013. Chi phí đầu vào sản xuất, giá điện, lương tối thiểu vùng… không ngừng tăng và vẫn tiếp tục trên đà tăng trong khi giá bán không tăng. Trong khi đó, việc đàm phán tăng giá với nhà nhập khẩu là chuyện không dễ. Với các DN sản xuất hàng đi Nhật, hiện nay khi đồng yên mất giá, nhà nhập khẩu lại ép hạ giá bán. Sản xuất cho những tháng cuối năm 2013 đang có dấu hiệu không tốt.
Các chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN (từ tháng 1-2014 sẽ chính thức giảm từ 25% xuống còn 22%) lại chưa tác dụng vào thời điểm này. Điều quan trọng là hiện nay phải làm sao triệt tiêu tình trạng “lỗ giả” ở rất nhiều DN FDI, để chống thất thu thuế, tạo sự cạnh tranh công bằng cho DN trong nước.
HÀ NHAI