Xúc cảm ngày tựu trường

Trước ngày tựu trường, cô con gái đọc lướt các mẩu tin trên mạng, bỗng thảng thốt khóc lớn: Bố ơi! Bố ra đây coi có chuyện người cha chở… tro hài cốt con đi khai giảng. Tôi bàng hoàng đọc và coi kỹ tấm hình minh họa: Thật không ngờ là chuyện thật 100%, xảy ra ở Trung Quốc. Đúng là người đàn ông đó đã chở tro cốt con đựng bên trong một thùng gỗ màu đen đặt sau xe máy đi một vòng quanh trường học. Sau lưng ông là chiếc ba lô lỉnh kỉnh sách vở và bài thi 99 điểm cháu đạt được trước khi mất do tai nạn xe hơi vào năm ngoái… Dường như người ta nghe thấy tiếng người cha xấu số đang thì thầm lẽ ra năm nay con cũng đi khai giảng cùng các bạn. Và bỗng dưng thấy tiếng trống trường thúc nhói trong tim gợi đến những xúc cảm về quyền được sống, quyền được học, quyền được mưu cầu hạnh phúc mà mỗi người trên trái đất phải được thụ hưởng.

Không biết cháu bé đã khuất nếu còn sống thì năm nay lên lớp mấy, thích học môn gì, mơ ước gì, nhưng ở đâu cũng vậy, người lớn bao giờ cũng cảm thấy nhỏ nhoi trước số phận con trẻ. Và ngày tựu trường - ngày hội thật sự - ai cũng nhớ - đang đặt ra quá nhiều thách thức trước tương lai con em chúng ta.

Một phần nào đó, trách nhiệm nặng nề này được giao phó cho các thầy cô, những người đồng hành cùng các em từ lúc chúng còn bé bỏng đến lúc nhận thức rõ con đường đi của mình. Đó là sự mong manh của những tâm hồn non nớt rất cần được che chở, được uốn nắn để hiểu rõ đúng, sai trong cuộc đời ngập tràn niềm vui cũng như nỗi buồn mênh mang. Câu hỏi đặt ra tuy cũ nhưng chưa cũ lắm cho hôm nay: Chúng ta chọn gì cho hành trang vào đời của con em mình? Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ các trọng tâm của giáo dục đã tìm ra điểm nhấn là phải giảm tải khối kiến thức đang nhồi nhét và cắt bớt thời gian biểu vốn đã quá dài cho các em. Nhưng bỏ bớt gì cho nhẹ nhõm trên con đường đi “một đèo, một đèo lại một đèo” của học vấn?

Nhiều bậc phụ huynh phản bác cho rằng muốn thoát nghèo, thoát dốt không thể bớt gì mà phải tăng thêm trọng lượng kiến thức truyền thụ. Phải học mọi lúc, mọi nơi, mọi môn học, mọi ngày tháng. Có vậy thì mới có tương lai. Cũng đúng là như vậy trong hoàn cảnh đất nước chúng ta có điểm xuất phát chậm hơn nhiều nước khác. Song nghĩ kỹ mới thấy dường như chúng ta đang lệch hướng trong mục tiêu giáo dục và không biết cách nào cập bến trong biển khơi trí tuệ xa thẳm. Chúng ta đang phân vân giữa cái “chuẩn chung” là chương trình học chung, bộ sách giáo khoa chung, bài giảng chung cho tất cả mà quên đi cái “riêng” là cách tư duy riêng, cảm nhận riêng và diễn đạt riêng cho từng cá thể.

Điều quan trọng là mỗi em được phát huy thế mạnh riêng, được “riêng tư” thực hiện những hoài bão ôm ấp trong lòng. Chính cái cách đào tạo theo một khuôn mẫu chung đã khiến chúng ta phải trả giá cho chất lượng đào tạo được đánh giá là chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Minh chứng mới nhất là sự hụt hẫng về nguồn nhân lực trong đợt tuyển sinh ĐH-CĐ vừa qua khi đa phần những bộ óc siêu việt nhất của đất nước đã lựa chọn “nghề chung” nhất, dễ kiếm tiền nhất - theo cách hình dung “chung” nhất - là quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng… Đến mức một giáo sư thỉnh giảng môn toán ở một trường chuyên toán đã tròn mắt khi chỉ có một em trong lớp hỏi… môn toán hiện nay có những hướng nghiên cứu và ứng dụng gì?! Rõ ràng, ai cũng muốn có hướng “chung” nhất là phấn đấu trở thành Ngô Bảo Châu, nhưng do giáo dục “chung” đã không hiểu phải có suy nghĩ “riêng” mới tiếp cận đến tầm cỡ Ngô Bảo Châu.
 
Ở đây, cần nhấn mạnh đến sự đúng đắn trong nhận thức khi chúng ta hiểu rõ và khẳng định phải đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục. Nhưng cái đích - tuy phải tốn kém khoảng 70.000 tỷ đồng riêng cho đề án cải cách chương trình học và sách giáo khoa - không gì khác phải là phát triển con người toàn diện, cả về kiến thức lẫn nhân cách sống. Không thể có một kỹ sư tương lai mà trong môn thi địa lý không thể kể ra tên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của đất nước, cũng như không thể có một nghệ sĩ không biết gì về hằng đẳng thức trong toán học. Thật ra, để tạo ra sản phẩm con người “vừa hồng vừa chuyên” dù có đề án và khẩu hiệu gì thì cũng không ngoài nghĩa “dạy tốt, học tốt” mà Bác Hồ đã từng căn dặn từ những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Và muốn vậy, các thầy cô, các nhà quản lý giáo dục cần biết lắng nghe trước khi biết chịu trách nhiệm trước những phản biện từ xã hội và cuộc sống. Nền giáo dục của chúng ta phải bớt thụ động, máy móc kiểu “thầy đọc - trò chép”, bớt tính trừu tượng của những học thuyết cao siêu và hãy để các em được thỏa sức sáng tạo trong thiên nhiên, trong tình yêu quê hương đất nước. Chính ở trên những cánh đồng lúa, những bãi biển ngập nắng mà những bài học lý thuyết sẽ bớt khô khan, sẽ dễ đi vào tâm trí các em… Và một năm học mới bắt đầu trong những nỗi lo cũ!

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục