Tròn 60 năm trước, ngày 10-10-1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, thủ đô Hà Nội đã được giải phóng, kết thúc ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước ta, mở đầu thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày giải phóng thủ đô đã đi vào lịch sử, mãi là một mốc son chói lọi, là niềm tự hào của nhân dân Hà Nội và cả nước.
Suốt cuộc hành trình dài 60 năm qua, với vai trò là thủ đô - “trái tim” của cả nước, Hà Nội luôn có những đóng góp to lớn cho đất nước, cũng như tỏ rõ vị trí đầu tàu của mình. Hà Nội là nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa sức mạnh, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước đã lập nên nhiều chiến công vang dội, nhiều thành tựu đáng tự hào trong đấu tranh, xây dựng và phát triển. Hà Nội trở thành niềm tin yêu của nhân dân cả nước, được thế giới tôn vinh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, thủ đô Hà Nội đã vinh dự được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng”...
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn sâu sắc trong xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển mình, đặc biệt là giai đoạn sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, cơ hội để phát triển. Với diện tích hiện tại lên tới trên 3.300 km² với dân số trên 7 triệu người, Hà Nội hiện là một trong những thủ đô lớn nhất thế giới. Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên tất cả các mặt. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá cao, luôn đạt gấp 1,5 lần so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước, từ năm 2000 đến năm 2013 tăng hơn 11 lần. GDP bình quân đầu người tăng gần gấp 3 lần so với năm 1989. Tính từ năm 1990 đến nay, cứ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên địa bàn đã bằng 2,5 lần so với trước đó. Quản lý đô thị có tiến bộ, hạ tầng đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh, hiện đại…
Cùng với cả nước, Hà Nội đã đón nhận những vận hội lớn, nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt, được đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra cụ thể: “Tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số cơ học, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều nguồn lực và lợi thế của thủ đô chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Sức cạnh tranh của kinh tế thủ đô còn nhiều hạn chế, hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáp ứng yêu cầu. Sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội thủ đô chưa tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế và vai trò, vị thế của thủ đô ngàn năm văn hiến”.
Nhận diện được những thách thức này, sớm có giải pháp hóa giải mới có thể giúp Hà Nội phát triển toàn diện, bền vững, cơ bản trở thành thủ đô công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, giàu đẹp, văn minh, thanh lịch. Đặc biệt, Hà Nội phải đi vào phát triển kinh tế tri thức, phát triển các ngành kinh tế có chất lượng cao, ở trình độ hiện đại, phải bằng mọi cách khai thác, sử dụng và phát huy mạnh mẽ tiềm lực trí tuệ của thủ đô, tạo mọi điều kiện để các chuyên gia, các nhà khoa học có cơ hội cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng thủ đô…
Nói tới Hà Nội là nói tới văn hóa. Bởi vậy, một vấn đề cần làm tốt là bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa hàng ngàn năm của thủ đô. Theo GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cần tiến tới một thủ đô Hà Nội về phương diện văn hóa là một không gian đa dạng, nhiều trung tâm nhưng trong đó có một trung tâm cốt lõi, tức là khu nội đô lịch sử phải được bảo tồn rất tốt và tiếp tục phát huy vai trò trung tâm cốt lõi về di sản đã tích tụ từ hàng ngàn năm. TS Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho rằng là một TP hòa bình, một TP của đối thoại liên văn hóa, Hà Nội đã chứng tỏ xứng đáng với danh hiệu của mình. Nhưng TP đang đương đầu với những thách thức mới nhằm bảo đảm rằng mọi người dân đều có thể thụ hưởng hạnh phúc và một đời sống tri thức và sáng tạo viên mãn, đồng thời nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa của Hà Nội - thương hiệu “độc nhất vô nhị” của TP - để gìn giữ và chia sẻ với những thế hệ tiếp theo. “Tăng cường bảo vệ di sản văn hóa như một kho báu của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, là một ưu tiên của quốc gia và của UNESCO” - lời cam kết của TS Katherine Muller-Marin, có lẽ cũng chính là tâm nguyện của tất cả những ai yêu Hà Nội, đang hướng về “trái tim của cả nước” trong những ngày mùa thu lịch sử này.
BẢO MINH