Nếu xét về sự đóng góp cho thể thao Việt Nam cũng như thành tích thi đấu cụ thể tại các kỳ đại hội TDTT toàn quốc, TPHCM chỉ xếp sau Hà Nội. Tuy nhiên, đi vào từng môn cụ thể thì rõ ràng, những người làm thể thao TPHCM không thể ngồi yên hài lòng.
Mới đây, đội xe đạp TPHCM đứng trước nguy cơ giải tán vì không có nguồn kinh phí xã hội hóa, tức là không có tài trợ. Như vậy, sau bóng đá, bóng chuyền, đến lượt xe đạp sẽ đi chung con đường chỉ vì thiếu tiền, dù môn thể thao này từng phát triển rất mạnh, đứng đầu cả nước, gặt hái nhiều thành tích cấp quốc tế và không có mức đầu tư lớn như những môn kia.
Thực trạng của thể thao TPHCM hiện tại không thể nói là sa sút nghiêm trọng nếu xét về thành tích, nhưng thực tế thì lại chủ yếu tập trung vào những môn ít đầu tư, mang tính phong trào thấp, trong khi những môn cơ bản vốn là thế mạnh của một thành phố đông dân, có nền kinh tế lớn nhất nước, thì lại dần biến mất. Nó thể hiện một điều bất hợp lý: Không ở đâu việc tìm nguồn tài trợ lại khó khăn như TPHCM dù có rất nhiều doanh nghiệp đang có trụ sở tại thành phố, lại tham gia tài trợ bóng đá, bóng chuyền, xe đạp... cho những địa phương khác. Tiêu biểu như Gạch Đồng Tâm tài trợ cho bóng đá Long An hay ADC tài trợ cho xe đạp Vĩnh Long...
Với môn bóng đá, dù đã định hướng sẽ thăng hạng V-League vào năm 2016, nhưng đến nay, đội hạng nhất TPHCM vẫn chủ yếu tồn tại trên nguồn ngân sách địa phương, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thành tích sẽ tốt hơn và được chuyển giao cho một doanh nghiệp có tiềm lực. Bóng chuyền hay bóng bàn cũng thế, đều không thể thuyết phục được các doanh nghiệp tham gia. Nguyên nhân chính được chỉ ra: chủ yếu là do cách quản lý chứ không phải các doanh nghiệp thờ ơ với hoạt động tài trợ.
Đỉnh cao không có thì phong trào sẽ phải đi xuống, cơ sở vật chất được đầu tư ở tầm vóc quốc tế cũng sẽ không được sử dụng hoặc dùng sai công năng, xuống cấp gây lãng phí. Từ năm 2003 đến nay, có rất ít cơ sở thể thao được thành phố đầu tư mới, chủ yếu xuất phát từ việc không biết phục vụ cho đối tượng nào. Ngay trung tâm đào tạo huấn luyện đỉnh cao tại khu vực Trường đua Phú Thọ cũ, vẫn “giậm chân tại chỗ” suốt 3 năm qua.
Đối với các thành phố lớn như TPHCM, thông thường các môn thể thao tập thể, có giá trị đầu tư cao, luôn phải phát triển hơn các nơi khác do có ưu thế về nguồn lực xã hội cũng như điều kiện cơ sở theo quy hoạch phát triển. Thế nhưng, với thể thao TPHCM thì hoàn toàn ngược lại - điều này phản ảnh khá rõ thông qua các CLB bóng bàn, bóng chuyền trên địa bàn thành phố hiện không còn bao nhiêu, người dân có muốn tập luyện cũng khó tìm ra chỗ.
Được biết, định hướng của thể thao TPHCM sắp tới vẫn tập trung vào việc đầu tư trọng điểm cho vài cá nhân, vài môn có khả năng vươn đến tầm quốc tế, chủ yếu sử dụng ngân sách được phân bổ. Trong khi đó, những môn thể thao có tính phong trào cao, đã được giao cho các liên đoàn tự chịu trách nhiệm vận động nguồn kinh phí từ xã hội lại chưa có hướng ra. Không thể vì lý do phát triển thành tích đỉnh cao mà xem nhẹ việc khai thác tiềm lực có sẵn, xứng đáng với truyền thống của thể thao thành phố.
Để thay đổi được điều này, cần có sự thay đổi tư duy và cách làm của những nhà quản lý, đặc biệt là phải mạnh dạn gạt bỏ thói quen chạy theo thành tích để có sự đầu tư dài hạn, có tầm nhìn chiến lược hơn. Và quan trọng hơn cả, những người làm thể thao TPHCM cần phải có trách nhiệm với những nền tảng vật chất cũng như niềm đam mê của người dân thành phố.
Đăng Linh