
Nền công nghiệp toàn cầu có thể sớm khai thác nguồn nguyên liệu thô dưới đáy biển, nơi đồng, kẽm, coban và vàng nằm ẩn trong các miệng khói đen và những ụ mangan. Công nghệ mới này đang trở thành giải pháp giúp hạn chế sự khủng hoảng thiếu hụt tài nguyên nghiêm trọng.
Kho báu khổng lồ dưới đáy biển

Khi công bố nghiên cứu của mình, Peter Herzig đề cập đến một nhịp điệu sản xuất không phải là nhỏ: máy của ông có thể khai thác hàng chục ký kim loại /giây. Khác biệt duy nhất của nền công nghiệp nặng mới này là nhân tố con người và tất cả đều diễn ra ở độ sâu 2.000m dưới mực nước biển.
Herzig là nhà địa chất học chuyên nghiên cứu các sự hình thành địa chất bất thường nhất dưới đáy biển, được gọi là những miệng khói đen. Những miệng khói này cao khoảng 2 đến 5m, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1977. Chúng luôn phun nước sôi chứa đầy đồng, mangan, niken, vàng lẫn trong đá và khi gặp nước biển lạnh các kim loại này lắng xuống đáy biển.
Và một khi Peter Herzig có phương pháp khai thác thì loài người sẽ sớm được hưởng thụ kho tàng dưới đáy biển. Theo các nhà khoa học, trong nguyên liệu thô từ lòng biển có tất cả mọi thứ mà xã hội công nghiệp ngày nay khao khát: đồng cho công nghiệp điện, niken và kẽm cho nhà máy thép, indium dùng trong màn hình phẳng – thậm chí vàng cho nhu cầu dự trữ quốc gia đang ngày càng tăng vọt.
Cách đây vài tháng, Herzig đã chủ trì hội nghị Viện khai khoáng biển, gồm các nhà địa chất học, kỹ sư mỏ và nhà hóa học, tại thành phố cảng Kiel, miền Bắc nước Đức. Tại đây, giám đốc Viện Nghiên cứu địa chất biển IFM-Geomar nhắc đến trong suốt hội nghị về “chuyện vĩ đại sắp xảy ra”. Sự lạc quan này rất đúng lúc, đặc biệt khi giá nguyên liệu thô đang tăng vọt trong sự bùng nổ của nền kinh tế toàn cầu.
Chẳng hạn giá 1 tấn thép từ 2.000USD vào cuối những năm 1990 đã nhảy vọt lên 8.700USD trong năm 2006. Cùng lúc, giá 1 tấn kẽm tăng từ 1.000USD lên đến 4.000USD. Giá indium tăng gấp 10 lần chỉ trong vài năm, khi trữ lượng hiện tại dự đoán sẽ cạn kiệt vào năm 2013… Quặng mangan khai thác từ độ sâu 6.000m dưới mực nước biển được xem như giải pháp tối ưu cho vấn đề nguyên liệu thô của cả thế giới.
Từ sắt đến kim cương
Theo bài báo của Gerald Traufetter (báo Đức Der Spiegel), người ta không chỉ lấy mangan hoặc sắt mà còn có thể khai thác kim cương từ lòng biển. De Beers, công ty kim cương Nam Phi lớn nhất thế giới, hiện đang có tham vọng khai thác kho báu tại vùng trầm tích xốp ngoài khơi Namibia, sử dụng công nghệ của Đức.
Công ty Wirth cung cấp cho De Beers những thiết bị được gọi là “rắn biển”. Peter Heinrichs, quản lý của Wirth, mô tả: “Chúng giống như những cái máy nghiền được dùng để nghiền nát đá dưới đáy biển và bơm ngược lên tàu. Hiệu quả thật đáng kinh ngạc. Một đội thủy thủ 47 người có thể khai thác số kim cương bằng với 3.300 công nhân làm việc trên cạn”.
Nautilus, được xem như công ty tiên phong khi đi vào khai thác kim loại gần miệng khói đen, có thể là một trong những khách hàng đầu tiên của Wirth. David Heydon, giám đốc điều hành của Công ty Nautilus, đã tổ chức một buổi nói chuyện quan trọng với các nhà đầu tư và sau đó công ty phái một tàu khoan thăm dò đi đến biển Bismarck, ngoài khơi vùng biển New Guinea.
Chính quyền địa phương đã cho phép Heydon quyền khai thác mỏ trong khu vực mà ông dự định bắt đầu khai thác miệng khói đen vào giữa năm 2009. Dựa trên kết quả khoan thăm dò, Heydon hy vọng sẽ khai thác được khoảng hai triệu tấn đồng trong khu vực này.
Sử dụng thiết bị gọi là thùng cắt, Heydon dự tính nghiền khối quặng dưới đáy biển sau đó bơm hết lên bờ. Gác qua các lợi ích kinh tế thì việc khai thác đồng dưới đáy biển còn mang ý nghĩa môi trường.
Theo Heydon, “khai thác đồng trên mặt đất, ví dụ như trên dãy Andes, phá hủy cảnh quan tự nhiên, di dời dân cư và phá vỡ tổ chức xã hội trong vùng”. Trong khi đó, khai thác đồng dưới đáy biển về cơ bản mang tính cục bộ, các máy bơm sẽ hút tất cả quặng khai thác ra và sinh vật biển sẽ sớm quay lại môi trường sống sau khi người ta thu hồi thiết bị.
Tuy nhiên, các tổ chức môi trường không nghĩ như Heydon. Nhiều nhà khoa học cũng tỏ ý nghi ngờ về việc khai thác dưới đáy biển. Trong thử nghiệm năm 1989, quá trình cào đáy biển gần như phá hủy hoàn toàn mọi thứ, kể cả hải quỳ và cua nhỏ. Không nao núng trước loạt nghi ngại, tháng 7-2006, Cơ quan khoa học địa chất và nguyên liệu thô Đức (GBR) đã giành được giấy phép khai thác 75.000km2 bờ biển Tây Thái Bình Dương, do Cơ quan lòng biển quốc tế (đặt tại Kingston, Jamaica) cấp.
Giá chuyển quyền khai thác cho diện tích biển rộng gần bằng xứ Bavaria của Đức mà BGR mua là 250.000USD. Hermann-Rudolf Kudrass, nhà nghiên cứu của BGR, ước tính quá trình khai thác này sẽ mang về 45 triệu tấn kim loại nặng không có sắt và ông tin rằng “vấn đề khan hiếm nguyên liệu của thế giới sẽ thuộc về quá khứ”.
Anh Vũ