Ý chí và niềm tin

Dường như trên trái đất này, mỗi quốc gia, dân tộc giai đoạn lịch sử nào cũng xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, đó là tài sản tinh thần vô giá, là chỗ dựa tinh thần cho cả một dân tộc. Ở Việt Nam ta cũng thế, bước ngoặt lịch sử nào cũng xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, đó chính là những Anh hùng dân tộc mà đức tài, sự cống hiến của họ đã trở thành chuẩn mực đạo đức xã hội, là biểu tượng, niềm tin cho cả dân tộc vượt qua muôn trùng khó khăn, thách thức để giành độc lập, bảo vệ đất nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong số những Anh hùng dân tộc kiệt xuất ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh được coi như một ngôi sao sáng nhất, rực rỡ nhất, là chỗ dựa tinh thần, niềm tự hào, niềm tin để dân tộc Việt Nam ta vững vàng đi lên, xứng đáng với truyền thống con Rồng cháu Tiên, mang lại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, làm vẻ vang non sông, đất nước ta.

Từ lâu, đặc biệt gần 5 năm nay khi Đảng ta phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mọi người dân Việt Nam, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nỗ lực học tập và tích cực làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Có nhiều phẩm chất, đạo đức của Bác mà mọi người học tập và làm theo, điểm đáng chú ý là tính kiên định con đường cách mạng, ý chí và niềm tin.

79 mùa xuân, trong đó có 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ đã để lại cho chúng ta một bài học lớn về ý chí làm người, ý chí vươn lên vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khác với những nhà yêu nước tiền bối, Bác đã chọn cho mình một hướng đi riêng. Bác sang nước Pháp, “tận nơi cho rõ, sau khi xem xét họ làm ăn ra sao trở về giúp đồng bào”. Nhưng sang tận nơi được coi là “mẫu quốc”, Bác đã nhận ra rằng đó là sự giả dối. Nước Pháp văn minh nhưng còn đầy rẫy bất công. Với những từ ngữ hấp dẫn: “Tự do – bình đẳng – bác ái”, nước Pháp nói đi khai phá văn minh cho các dân tộc nghèo nàn lạc hậu, nhưng thực chất đó là những cuộc vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động của “dân đen” ở các nước thuộc địa. Làm thế nào để giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, suốt 30 năm trời đằng đẵng, Bác đã đi khắp thế giới để tìm câu trả lời ấy. Bác làm đủ thứ việc để nuôi sống mình và làm cách mạng. Bác làm phụ bếp, thợ rửa ảnh, làm bánh, cào tuyết… Bác vừa học, vừa làm... Bác kết bạn với những nhà hoạt động văn hóa, xã hội nổi tiếng như Picasso, Henri Barbusse, I.Elarenburg, Charlie Chaplin… Những tài liệu và hiện vật còn lưu giữ ở khắp nơi trên thế giới cho thấy ý chí quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác.

Từ ý chí sắt đá ấy, Bác có niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, tin vào con đường đã chọn. Khi đọc luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Bác reo lên: “Đây là cái cần cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Bác khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Kiên trì cái đích giải phóng dân tộc, mặc dù có lúc bị cấp trên hiểu lầm, không giao nhiệm vụ, nhưng Bác vẫn tin vào việc làm đúng đắn của mình, kiên định con đường cách mạng. Bác đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, hướng lợi ích dân tộc theo xu thế tiến bộ của thời đại. Và, cả cuộc đời 79 mùa xuân Bác đã hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Bác có niềm tin sắt đá vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bác nói: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải lấy lại quyền độc lập cho dân tộc”.

Hôm nay, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011), chúng ta tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Tư tưởng, ý chí và niềm tin của Người là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta. Chúng ta nguyện phấn đấu hết sức mình đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn.

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục