Nhóm PV Báo SGGP đã trao đổi với một số chuyên gia đầu ngành ở TPHCM và đại biểu về các giải pháp thực hiện 6 chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX đề ra.
- KTS HOÀNG MINH TRÍ (Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM): Thêm 4 trung tâm đô thị lớn để giãn dân
Theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến 2025, chúng ta sẽ có 4 khu trung tâm cấp TP mới ở 4 cửa ngõ. Ở cửa ngõ hướng Tây Bắc, trung tâm sẽ được đặt ở đô thị Tây Bắc thuộc huyện Củ Chi; ở cửa ngõ hướng Đông, trung tâm sẽ được đặt ở khu vực quận 9 gần đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; ở cửa ngõ hướng Tây, trung tâm sẽ đặt ở xã Tân Kiên huyện Bình Chánh; ở cửa ngõ phía Nam, trung tâm được đặt ở Khu A đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Các trung tâm này sẽ được hình thành với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ lớn. Khi đó, TPHCM sẽ có điều kiện giãn dân từ nội thành, qua đó giảm được tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tất nhiên, để hình thành 4 khu trung tâm như vậy đòi hỏi TPHCM phải có quyết tâm chính trị mạnh mẽ cùng sự ủng hộ lớn lao của Chính phủ và các bộ ngành. Trước hết, Chính phủ nên điều tiết để lại thêm nguồn thu cho TP nhằm tạo điều kiện đầu tư thêm nhiều công trình mới. Đồng thời, cho phép TP thí điểm tổ chức quản lý đô thị theo mô hình chính quyền đô thị, nghĩa là quản lý xây dựng đô thị theo từng vùng, từng khu vực tùy theo lợi thế của từng nơi, không phát triển đô thị theo địa giới hành chính các quận, huyện như hiện nay.
- PGS-TS HỒ LONG PHI (Đại học Bách khoa TPHCM): Xây dựng các hồ điều tiết nước mưa
Bên cạnh những dự án chống ngập, cải thiện môi trường các lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé… đang được triển khai, trước mắt TPHCM nên tập trung chống ngập cục bộ ở một số địa phương bị ngập do triều cường như Bình Thạnh, Thủ Đức, khu vực Chợ Lớn... Các giải pháp chống ngập do triều như đặt trạm bơm, làm đê, phay ngăn triều… đa phần thi công đều không quá phức tạp, kinh phí cũng không cao nên nếu được triển khai ngay từ bây giờ, đến mùa mưa 2011 tình trạng ngập ở các khu vực này sẽ được cải thiện đáng kể. UBND TPHCM vừa phê duyệt đề cương xây dựng các hồ điều tiết nước mưa để chống ngập nhưng việc thực hiện khó nhanh vì còn liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp khác như đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… Tuy nhiên, ngay từ bây giờ TPHCM nên có kế hoạch giữ đất cũng như xây dựng các quy định cụ thể cho việc triển khai xây dựng các hồ điều tiết nước mưa sau này. Điều quan trọng hơn là TP phải quyết tâm không để sông, kênh, rạch - nơi thu nước thoát ra của tất cả hệ thống cống thoát nước, bị lấn chiếm thêm nữa. Công tác bảo vệ hệ thống thoát nước nên giao cho chính quyền các phường, xã.
- PGS-TS LÊ VĂN TRUNG (Đại học Quốc gia TPHCM): Tái chế chất thải rắn thay vì chôn lấp
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở TPHCM, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, TP nên quản lý chặt chẽ việc xả thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng như phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn trong việc kiểm soát xả thải ra hệ thống sông, kênh rạch. Bằng mọi nỗ lực bảo vệ được nguồn nước cho TP, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt. TP cũng nên có kế hoạch giảm thiểu dần việc sử dụng xe cá nhân bởi đây không những là nguyên nhân chính gây kẹt xe mà còn là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Công tác xử lý chất thải rắn cần phải được thực hiện theo hướng tái chế để tái sử dụng nhiều hơn thay vì chủ yếu chôn lấp như hiện nay.
- ThS NGUYỄN VĂN CHÍNH (Viện Nghiên cứu giao thông): Hạn chế ô tô cá nhân
Ước tính, lượng ô tô ở TPHCM đã tăng gấp 2,5 lần trong khoảng 7 năm qua. Để đảm bảo lưu thông, một xe gắn máy cần 8m² đường, còn một ô tô cần 30m² đường. Như vậy, khả năng vận chuyển hành khách của ô tô cá nhân chỉ hơn xe máy một chút nhưng diện tích chiếm đường gấp 3,5 lần. Như vậy, hạn chế 1 chiếc ô tô bằng hạn chế 3 chiếc xe máy. Theo tôi nghĩ, khuyến khích phát triển xe buýt nhưng hạn chế ô tô, còn xe gắn máy nên tự để người dân điều chỉnh (vì xu hướng bão hòa). Đó sẽ là biện pháp giải quyết căn cơ ùn tắc giao thông hiện nay tại TPHCM.
- Ông PHẠM VĂN THÀNH (Chủ nhiệm Văn phòng Tiếp công dân TPHCM): Vi hành thường xuyên để kiểm tra CBCC thực thi nhiệm vụ
Kế hoạch triển khai Chương trình Cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng Chính quyền đô thị của UBND TP rất toàn diện. Trước mắt, TPHCM phải sớm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu dân; hành dân đi lại nhiều lần. Chấn chỉnh tình trạng ban hành “giấy phép con” do các cơ quan quản lý tự quy định hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp cả về thẩm quyền, hình thức và nội dung... Cải cách thủ tục hành chính không chỉ là đề ra số thủ tục để kiến nghị hủy bỏ hay sửa đổi bổ sung mà phải sửa đổi để các thủ tục hành chính trở nên đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và minh bạch, công khai. Các đơn vị cấp trên cần thường xuyên vi hành kiểm tra để chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Các đơn vị kiểm tra sẽ không được thông báo trước để chuẩn bị.
- Ông LÊ MẠNH HÀ (Giám đốc Sở TT-TT TPHCM): Không xem nhẹ việc rèn luyện đạo đức, tác phong cho đội ngũ
Nếu tập trung và quyết tâm làm tốt Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, chúng ta sẽ thật sự có được “vốn quý” cho sự phát triển toàn diện của TPHCM. Song song với việc đầu tư phát triển nâng chất nguồn nhân lực các cấp, TP không thể xem nhẹ việc rèn luyện đạo đức, tác phong cho đội ngũ. TP cũng cần chấn chỉnh tình trạng “vào khó, ra khó” trong các công sở, cần quyết liệt hơn trong đào thải những người không đáp ứng yêu cầu công việc. Để làm được, trước hết cần làm rõ trách nhiệm quyền hạn của người đứng đầu đơn vị trong việc tuyển dụng, phân công, kỷ luật, đề bạt, thôi việc đối với công chức sau khi tham khảo ý kiến tập thể lao động. Có chế độ sát hạch định kỳ với công chức, tăng cường thanh tra công vụ và tính toán chế độ lương bổng phù hợp để thật sự có một đội ngũ cán bộ công chức được việc, có đạo đức và tinh gọn.
Nhóm PV chính trị