Theo số liệu từ Công an TPHCM, 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TPHCM xảy ra 1.660 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 303 người chết, gần 1.200 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT có giảm, tuy nhiên số vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Số điểm nóng về TNGT tại TPHCM cũng tăng từ 16 điểm ở năm 2018 lên 19 điểm tính đến tháng 7-2019.
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng đều xuất phát từ ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông còn kém (chiếm tỷ lệ hơn 80%): sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện; chở quá tải quá khổ; phóng nhanh vượt ẩu; lưu thông không đúng phần đường… Những con số trên cũng cho thấy việc thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự giao thông thời gian qua chưa phù hợp, chưa theo kịp yêu cầu.
“Phạt nguội” là giải pháp được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao trong đảm bảo trật tự giao thông, bởi khi hệ thống camera được lắp dày đặc trên đường, người dân sẽ dè dặt, ý thức hơn trong lưu thông vì nếu vi phạm có thể bị ghi hình, xử lý bất cứ lúc nào, ở đâu. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì khác.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC08) - Công an TPHCM cho thấy, trong số hơn 75.000 trường hợp phương tiện vi phạm được đơn vị ghi lại từ đầu năm 2018 đến nay, chỉ có gần 30% người vi phạm đóng phạt. Đáng chú ý, số trường hợp người vi phạm bị ghi hình ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc người vi phạm không ớn… “phạt nguội”.
Theo Đại tá Dương Văn Phóng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, dẫn đến thực tế này là do Bộ Công an chưa có quy trình cụ thể về xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh, và ở TPHCM, số lượng xe không “chính chủ” rất lớn, gây khó khăn trong chế tài, thu phạt. Trước vướng mắc này, tại buổi khảo sát và nghe báo cáo về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành giao thông thông minh tại TPHCM vào trưa 15-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, trong khi chờ Bộ Công an ban hành quy trình chung, Công an TPHCM có thể vận dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù để tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quy trình tạm thời và nhanh chóng triển khai thực hiện.
Một giải pháp khác, đó là tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề, được Ban An toàn Giao thông TPHCM xác định là giải pháp căn cơ, trọng tâm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức cho người lưu thông, kéo giảm TNGT xảy ra. Thế nhưng, việc triển khai giải pháp này thời gian qua gần như chưa phát huy được hiệu quả, còn mang tính hình thức. Công tác kiểm tra, xử lý diễn ra ồ ạt ở thời điểm ra quân, sau đó lại “tắt ngúm”. Các đợt kiểm tra chuyên đề, cao điểm kiểm tra “nồng độ cồn, ma túy”, “chở quá tải, quá khổ”, “lưu thông vào đường cấm, giờ cấm”… hầu hết không được tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM) Huỳnh Trung Phong thừa nhận tồn tại này. Theo ông, khiếm khuyết nằm ở chỗ cách làm, hạn chế này sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Nhìn lại hàng loạt giải pháp đảm bảo trật tự giao thông ở TPHCM thời gian qua chưa mang lại hiệu quả rõ nét, có thể thấy rõ nguyên nhân chính nằm ở cách làm. Một giải pháp quy mô, trọng yếu đến tầm cỡ nhưng khi triển khai vào thực tế nếu không được thực hiện quyết liệt, bài bản, có quy trình cụ thể, sát thực tế, thiếu tính sáng tạo, thì hiệu quả có chăng cũng mới chỉ ở phần ngọn, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Trong bối cảnh phương tiện giao thông cá nhân ở TPHCM tăng cao từng năm, hạ tầng giao thông bị quá tải, muốn trật tự giao thông được đảm bảo, cùng với việc triển khai các giải pháp ATGT và giao thông thông minh, thì yêu cầu nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông phải song hành với trách nhiệm của mỗi cán bộ, đơn vị thực thi pháp luật về giao thông.