Liên tiếp trong những ngày qua, thông tin về tình hình cháy rừng dồn dập xảy ra. Số vụ cháy và diện tích cháy không hề thuyên giảm. Dư âm của vụ cháy rừng khủng khiếp ở Hoàng Liên (Lào Cai) chưa dứt thì hàng trăm vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra và trải khắp từ Bắc tới Nam, làm thiệt hại hàng trăm ha rừng.
Trong khi đó, theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 10-3, có tới 22 tỉnh thành trên toàn quốc có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài với hàng loạt các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy ở cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Hàng chục tỉnh thành phố khác có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4, cấp nguy hiểm. Như vậy hầu hết các tỉnh có rừng ở nước ta đều nằm trong tình trạng “báo động đỏ”.
Bao nhiêu năm qua, chúng ta vẫn cứ loay hoay mãi với bài toán nâng cấp trang thiết bị cảnh báo cháy rừng và phương tiện chữa cháy rừng hiện đại. Trong khi dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 1 chưa hoàn thành thì các vụ cháy rừng vẫn cứ liên tiếp xảy ra. Thực tế cho thấy là năng lực phòng cháy chữa cháy rừng của chúng ta còn đang rất hạn chế và thô sơ với các phương tiện thủ công và tiếp cận từ mặt đất.
Theo người đứng đầu ngành kiểm lâm Việt Nam, ông Hà Công Tuấn, đến tận giai đoạn 2 của dự án chúng ta mới tính đến khả năng sử dụng thiết bị từ trên không và hàng loạt các biện pháp nâng cao năng lực cảnh báo, xây dựng đội ngũ phòng cháy chữa cháy rừng chuyên nghiệp hơn... Vì vậy, các vụ cháy rừng không đáng có sẽ còn tiếp diễn và việc khó khăn trong ứng phó với các vụ cháy rừng là khó tránh khỏi.
Thiệt hại do các vụ cháy rừng xảy ra chưa thể cân, đong, đo, đếm chính xác được, song chắc chắn trước mắt mức độ thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Với nguy cơ cháy rừng lên đến đỉnh điểm, chúng ta phải coi việc phòng chống cháy rừng hiện nay mang ý nghĩa cấp bách và là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của đất nước như việc chống đại dịch, bão lũ và phải đòi hỏi cả hệ thống chính quyền cùng toàn thể người dân tham gia một cách quyết liệt thì mới mong giảm thiểu được thiệt hại.
Cháy rừng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới. Suy cho cùng, nguyên nhân của mọi vụ cháy rừng hoàn toàn do lỗi chủ quan của chính con người. Do vậy, việc phòng chống cháy rừng hoàn toàn do con người chủ động được. Vấn đề ở đây là ý thức trách nhiệm của từng người dân đối với nhiệm vụ phòng chống cháy rừng. Một khi ý thức trách nhiệm của không ít bộ phận người dân chưa cao do nhận thức còn hạn chế và việc chủ quan lơ là của những nhà quản lý, chính quyền địa phương càng làm cho tình trạng cháy rừng diễn biến phức tạp.
Trong khi chúng ta chưa có những trang thiết bị, phương tiện chữa cháy hiện đại thì việc tập trung nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm của mình đối với công tác bảo vệ rừng và việc quyết liệt hơn, phản ứng nhanh hơn đối với các đám cháy xảy ra nhằm ngăn chặn tối thiểu thiệt hại là hết sức cần thiết. Mặt khác việc gắn chặt trách nhiệm chính trị đối với những nhà quản lý, chính quyền địa phương sở tại nếu để xảy ra cháy rừng cần thiết phải siết chặt hơn và làm sớm hơn.
THÀNH NAM