Ý tưởng đã thành sản phẩm

Sản phẩm đầu tiên của Vườn ươm Nông Lâm
Ý tưởng đã thành sản phẩm

Biến ý tưởng khoa học thành sản phẩm thị trường là bài toán khó đặt ra đối với nhiều thế hệ các nhà khoa học. Đến nay, trong nhiều cách tiếp cận, mô hình “vườn ươm doanh nghiệp công nghệ” của các trường, viện đã khẳng định bước đột phá đưa ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa.

Rau mầm bổ dưỡng và an toàn.

Rau mầm bổ dưỡng và an toàn.

Sản phẩm đầu tiên của Vườn ươm Nông Lâm

Tháng 7-2007, Sở KH-CN TPHCM và Trường ĐH Nông Lâm đã phối hợp thực hiện đề án thử nghiệm “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ” tại ĐH Nông Lâm (Vườn ươm Nông Lâm), tập trung nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển nông nghiệp.

Là mô hình đầu tiên thuộc loại này tại TPHCM, Vườn ươm Nông Lâm đã áp dụng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập với lộ trình “ươm tạo” cụ thể: 18 tháng đối với giai đoạn chuẩn bị (hỗ trợ tư vấn), 1 - 2 năm cho giai đoạn chính thức (hỗ trợ toàn bộ), 6 tháng - 1 năm cho giai đoạn tốt nghiệp rời khỏi vườn ươm (hỗ trợ một phần).

Hiện “Vườn ươm Nông Lâm” đang ươm tạo 5 doanh nghiệp: Nola (nước ép trái cây các loại), Phương Thành (rau mầm), Nông Lâm Tiến (phân bón vi sinh), Biome (Cơ khí nông nghiệp) và Doanh nghiệp Công nghệ sinh học – Môi trường. Đến nay, Nola, Phương Thành và Nông Lâm Tiến đã có mặt sản phẩm trên thị trường. Tuy là thương hiệu mới, nhưng những sản phẩm nói trên hứa hẹn sẽ được thị trường đón nhận, bởi đây là những sản phẩm công nghệ cao, thân thiện môi trường, phù hợp xu thế đời sống hiện đại.

Theo PGS-TS Bùi Văn Miên, Giám đốc Vườn ươm Nông Lâm, không ít nhà khoa học vẫn chưa “mặn” với vườn ươm. Thực tế, không ít nhà khoa học có sản phẩm tốt lại thường chọn giải pháp chuyển giao, bán bản quyền chứ không đưa vào vườn ươm để thương mại hóa. Thêm nữa, một số nhà khoa học tham gia vườn ươm lại ngại việc phải khai báo chi tiết về công nghệ vì có thể bị lộ bí mật… Nhưng hơn 2 năm qua, vườn ươm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng, thiết bị, tiếp cận nguồn vốn, tư vấn pháp lý, kỹ thuật, kinh doanh… và đưa sản phẩm ra thị trường. Ông Miên nhấn mạnh: “Điều này khẳng định chúng tôi đã vượt qua những “lồng ấp” để sản xuất đại trà phục vụ thị trường”.

Triển vọng vườn ươm Khu Nông nghiệp công nghệ cao

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh, ông Vũ Kiên Trung chia sẻ: Trong nước và thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp hình thành và phát triển, khởi đầu từ những ý tưởng từ thời học sinh, sinh viên, nghiên cứu… Do vậy, rất nhiều ý tưởng kinh doanh quý giá cần được hỗ trợ, giúp đỡ để hiện thực hóa trong thực tế.

Nhằm đẩy mạnh, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tháng 10-2009, UBND TPHCM đã ra quyết định thành lập Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM.

Theo đề án, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: chọn tạo giống cây trồng; chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp; bảo quản, chế biến nông sản; nuôi trồng nấm, dược liệu; canh tác không dùng đất; sử dụng công nghệ cao; sử dụng vật liệu mới thân thiện môi trường… có ý tưởng nghiên cứu, kinh doanh khả thi (được hội đồng thẩm định thông qua) sẽ được trung tâm này hỗ trợ văn phòng làm việc, phòng thí nghiệm, nhà kính, thiết bị văn phòng, đào tạo, tư vấn về pháp lý, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính, đầu ra sản phẩm…

Theo TS Nguyễn Tuần, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và vườn ươm trong khu này cần tập trung nuôi trồng có chọn lọc, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong nuôi trồng cá kiểng. Singapore là quốc gia xuất khẩu cá kiểng lớn nhất thế giới, lên tới 70 triệu USD, Việt Nam chỉ 10 triệu USD (cá đĩa, cá La Hán, cá bảy màu, cá chép Nhật…) song chủ yếu vẫn là khai thác trong tự nhiên, gây tổn hại đến đa dạng sinh học. Do vậy, cần phải ứng dụng công nghệ sinh học, các phương pháp nhân giống (sinh sản vô tính, chuyển gien, phụ sinh nhân tạo, thức ăn giàu sắc tố giúp cá đổi màu...) để tạo ra những giống cá có giá trị cao, góp phần bảo vệ các loài cá trước nguy cơ tuyệt chủng…

Chính vì thế, ông Trần Phước Dũng, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, nhận định: Tại TPHCM, tỷ trọng nông nghiệp của TPHCM chỉ khoảng 2% nên phải hướng tới chất lượng, hàm lượng chất xám, ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, bảo vệ môi trường... Như vậy, mô hình vườn ươm nông nghiệp công nghệ cao phải được đầu tư phát triển, là địa chỉ tin cậy của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc đưa ý tưởng, công trình nghiên cứu, phương án kinh doanh trong lĩnh vực KHCN vào thực tế.

Kiên Giang

Tin cùng chuyên mục