
Khởi đầu là một công ty chuyên sản xuất nhạc cụ, nhưng từ khi tuyên bố “Tôi muốn chúng ta thử chế tạo động cơ xe gắn máy” và thành lập Yamaha Motor vào năm 1955, dường như Chủ tịch Genichi Kawakami không còn mê hoặc những âm thanh từ chiếc đàn piano. Bởi ông đã dồn hết tâm lực vào phát triển xe máy, căng hết “thính lực” để phân biệt chất lượng tiếng nổ của từng loại động cơ... Sau thành công của những mẫu xe đầu tiên, vị thuyền trưởng Genichi Kawakami tiếp tục lèo lái con thuyền Yamaha khám phá những mảnh đất mới, đa dạng hóa sản phẩm, từ phương tiện đường bộ, đường thủy đến hàng không!
Lấy xe máy làm lĩnh vực then chốt
Genichi Kawakami là người luôn tìm kiếm thử thách mới. Ông dành cả cuộc đời mình để chứng minh cho thế giới thấy chất lượng vượt trội trong công nghệ động cơ và vị thế của Yamaha Motor.
Chỉ 2 năm sau khi thành lập, danh mục sản phẩm xe máy đã tăng lên con số 3. Yamaha bắt đầu lịch sử động cơ với mẫu YA-1 động cơ 1 xilanh 125cc vào năm 1955. Ngay sau đó, hai “biến thể” mới được nâng cấp bổ sung bao gồm: chiếc YC-1 động cơ 1 xi-lanh 175cc; chiếc YD-1 động cơ 2 xi-lanh 250cc. Trong thập niên 1960, Yamaha tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cho động cơ 2 thì đơn giản với 1 xi-lanh hoặc kiểu 2 xi-lanh thẳng hàng, phân khối lên đến 350cc.

YA-1 là mẫu xe gắn máy đầu tiên của Yamaha.
Đến những năm 1960, Yamaha tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cho động cơ 350cc 2 thì 2 xi-lanh. Tuy nhiên, từ nửa cuối thập niên 1960, các dòng xe 4 thì với công suất mạnh, phân khối lớn chiếm lĩnh thị trường. Thay đổi này thúc đẩy Yamaha sản xuất chiếc XS-1 vào năm 1970 - mẫu xe 4 thì đầu tiên của hãng nhưng được tích hợp động cơ SOHC tiên tiến nhất thế giới lúc bấy giờ. Năm 1985, Yamaha cho ra đời chiếc xe 5 van đầu tiên trên thế giới FZ750 với động cơ siêu mạnh, tốc độ cực cao như một mũi tên phi trên đường. Hiện tại, động cơ của Yamaha đa dạng từ 50cc đến 1.900cc; từ 1 xi-lanh sang 4 xi-lanh.
Một trong những nhân tố đằng sau sự thành công này là những cuộc đua xe mà công ty tham gia nhằm chứng tỏ sự vượt trội của công nghệ cũng như quảng bá cho sản phẩm. Ông Genichi cho rằng: “Không thể gọi một thứ là sản phẩm nếu nó không đạt đẳng cấp thế giới”. Vì thế, sau thành công trên đường đua tại Nhật, ông hướng tầm nhìn ra các cuộc đua ở nước ngoài, điển hình là giải đua Catalina GP lần thứ 8 vào năm 1958, được tổ chức trên đảo Santa Catalina, ngoài khơi Los Angeles của Mỹ. Tại đây, cỗ máy “YD Racer” 250cc của Yamaha tham gia đã giành được sự ngưỡng mộ của gần 15.000 khán giả tại trường đua. Năm 1961, Yamaha tiếp tục hành trình đến châu Âu, tham gia giải đua World GP và giải đua danh giá Daytona Grand Prix tại Mỹ, cũng giành thắng lợi lớn. Hãng tiếp tục mở rộng việc tham gia các cuộc đua tại những nước khác như Indonesia, Malaysia...
Phát triển “đa trục” để hướng đến tương lai
Yamaha Motor hiện tại có khoảng 140 công ty trực thuộc trên khắp thế giới với mô hình kinh doanh “đa trục”, cung cấp xe mô tô và động cơ gắn ngoài và còn nhiều loại sản phẩm khác, từ tàu cá nhân đến các loại xe giải trí chạy trên địa hình gập ghềnh ở hơn 200 quốc gia và khu vực trên toàn cầu. Phát triển kinh doanh đa trục mà ông Kawakami hướng đến là “đa dạng hóa sản phẩm trong các lĩnh vực kinh doanh” nhằm “Mang lại những trải nghiệm mới mẻ và cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi khách hàng trên toàn thế giới”.

Siêu xe Lexus LFA có sức mạnh ngang ngửa với “ngựa chiến” Ferarri 458 Italia nhờ động cơ vượt trội do Yamaha sản xuất
Khi hoạt động sản xuất xe máy đi vào ổn định, Kamawami tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch đã ấp ủ từ chuyến đi Âu Mỹ 90 ngày, đó là sản xuất tàu thuyền gắn động cơ ô tô. Khi thời cơ đến, ông quyết định thực hiện kế hoạch sử dụng động cơ xe mô tô làm động cơ gắn ngoài tàu thuyền - một việc mà ông đã cân nhắc kỹ trong thời gian dài. Chiếc máy thủy gắn ngoài đầu tiên của Yamaha - mẫu P-7, ra đời năm 1960, sản xuất dựa trên loại động cơ 125cc của chiếc YA-1.
Kể từ đó, động cơ gắn ngoài trở nên phát triển, đặc biệt có mẫu P-3, công suất 60cc, đa chức năng đã nhanh chóng thành công vang dội trong ngành công nghiệp đánh bắt cá ven bờ ở Nhật Bản và những nơi khác…
Nói về kế hoạch đa trục, chắc chắn sẽ là thiếu sót nếu không kể đến chiến lược “lấn sân” sang sản xuất động cơ ô tô của Genichi. Năm 1980, Yamaha hợp tác với Toyota cùng phát triển xe hơi, cụ thể là chiếc thể thao 2000GT và các xe đua công thức. Khi có kinh nghiệm kỹ thuật động cơ phạm vi rộng, hãng bắt đầu sản xuất động cơ mẫu không chỉ cho các mẫu như Lexus của Toyota mà còn cho cả Ford và Volvo…
Ở một nhánh khác, Yamaha còn tung ra động cơ MT100 với thiết kế xi-lanh đơn, linh hoạt hoàn hảo, phù hợp với nhiều loại sản phẩm từ chạy bơm nước, thiết bị phun hóa nông, thiết bị tời trong nông nghiệp cho đến xe kéo lưới trong công nghiệp đánh cá. Sau MT100, nhiều mẫu động cơ mới được bổ sung liên tục với nhiều cải thiện về hiệu suất. Các động cơ này cũng được dùng trong nhiều sản phẩm mới của Yamaha, gồm máy phát điện di động, ô tô đua nhỏ, thiết bị ném tuyết, trực thăng không người lái dùng trong công nghiệp và máy bơm nước, đóng góp rất lớn cho mục tiêu đa trục các lĩnh vực kinh doanh.
Câu chuyện của Yamaha Motor là hành trình đầy tham vọng, phát triển và chinh phục thành công mọi địa hạt kinh doanh nhờ chế tạo những động cơ mạnh mẽ, làm nên giá trị cốt lõi riêng biệt trong từng sản phẩm. Sản phẩm của Yamaha Motor không chỉ là một chiếc xe máy YA-1 của 60 năm về trước, mà giờ đây là hàng loạt phương tiện, sử dụng ở mọi địa hình: vùng sông nước, biển, tuyết, sa mạc và cả trên bầu trời…!
Đông Thùy