Bản lĩnh và chính kiến

Đọc Dấu ấn cuộc đời (*) của Trung tướng Lưu Phước Lượng, một vị tướng mà cả cuộc đời gắn bó với các cuộc chiến, sự thăng trầm của đất nước, càng thấy những quy chiếu, phạm vi điều chỉnh của việc viết hồi ký, tự truyện nói trên hoàn toàn có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn.

Dấn thân và kiên định

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cậu học trò dáng người nhỏ thó, nhút nhát Lưu Phước Lượng (Năm Lượng) ấy đã từ mái trường Minh Tâm bên dòng sông Sài Gòn thơ mộng lên đường theo cha làm cách mạng.

Với cách dẫn chuyện chân thực, dung dị, tác giả Dấu ấn cuộc đời đưa chúng ta vào những chiến dịch, những trận đánh khốc liệt mà ông là người trong cuộc. Trận chạm trán với Lữ dù 173 “bất khả chiến bại” của Mỹ đầu năm 1967 là một ví dụ. Khi ấy Năm Lượng là chiến sĩ của xưởng sửa chữa và lắp ráp máy thông tin (S3) thuộc Phòng Thông tin Miền (Bộ Chỉ huy các LLVTGPMN).

Sau đợt B52 rải thảm, Lữ dù 173 Mỹ được trực thăng đổ xuống. Tiểu đội của Lượng chỉ có 2 AK, 1 B40, 4 súng trường K44 mà phải đương đầu với 1 đại đội lính dù Mỹ được trang bị vũ khí và khí tài hiện đại. Dẫu lực lượng không cân sức, nhưng tiểu đội của Năm Lượng đã chiến đấu dũng cảm, loại khỏi vòng chiến đấu 30 lính Mỹ. Năm Lượng và 3 đồng chí khác được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Năm Lượng được tăng cường xuống Phân khu 1 (Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định) làm chiến sĩ thông tin vô tuyến điện phục vụ Tư lệnh Phân khu là ông Nguyễn Thế Truyện. Và anh đã có mặt chứng kiến vị Tư lệnh kính yêu của mình hy sinh ngay vùng ven Sài Gòn...

Dấu ấn cuộc đời dành nhiều trang kể về đợt tiến công vào nội đô Sài Gòn của Tiểu đoàn (sau là Trung đoàn) Quyết Thắng. Không chỉ tận mắt chứng kiến Tư lệnh Phân khu Nguyễn Thế Truyện hy sinh mà Năm Lượng còn tự tay chôn cất Trung đoàn trưởng Ba Vinh và Chính ủy Trung đoàn Hai Phái cùng nhiều đồng đội khác.

Dưới ngòi bút tả thực của Lưu Phước Lượng, người đọc thấy rõ sự khốc liệt của cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch trong trận xuân Mậu Thân năm 1968.

Những kỷ niệm về gia đình má Hai xóm Cây Thị (Gò Vấp); trận đánh cuối cùng ở Trung đoàn Quyết Thắng, trước khi trở về Phòng Thông tin Miền... càng thấy rõ sự gan dạ, lòng dũng cảm, không ngại hy sinh, gian khổ của chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi Lưu Phước Lượng.

Dù giặc Mỹ có ý “dằn mặt” ông ngay từ những ngày đầu tham gia kháng chiến, nhưng không làm Lưu Phước Lượng nản chí.  Đọc Dấu ấn cuộc đời ta dễ nhận ra, bất cứ  ở đâu: Phòng Thông tin hay Trường Thông tin Miền (H19); Trường Quân chính (H12)  hay Học viện Chính trị - Quân sự (HVCTQS)... khi tổ chức cần, Năm Lượng đều có mặt.  Nhớ lại, khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra (1979), Năm Lượng đang học tại HVCTQS, được lệnh ông có mặt ngay trên biên giới phía Bắc, nơi các chiến sĩ ta đương đầu, đánh đuổi quân TQ xâm lược. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân CPC (1977-1989), Năm Lượng làm trợ lý cho Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Thới Bưng (Trung tướng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng). Đây có lẽ là thời kỳ ông học được nhiều nhất. Sau này đảm đương các trọng trách: Phó Sư đoàn trưởng về chính trị (Chính ủy) Sư đoàn 5; Phó Tư lệnh về Chính trị (Chính ủy) Quân đoàn 4, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân khu 9... Lưu Phước Lượng có đủ bản lĩnh, tự tin cùng Đảng ủy và chỉ huy lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Được đào tạo bài bản, lại được trui rèn trong thực tiễn chiến trường, từ một chiến sĩ thông tin báo vụ, qua các chức vụ khác nhau, Lưu Phước Lượng trở thành tướng. Vị tướng trưởng thành qua chiến tranh đã tôi luyện ông thành một cán bộ cấp chiến lược của quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thế giới quan và phương pháp luận khoa học. 

Với những chi tiết cụ thể, Dấu ấn cuộc đời cung cấp cho người đọc những tình huống phức tạp, đa dạng của cuộc chiến đòi hỏi người trong cuộc phải bản lĩnh, tỉnh táo để đưa ra chính kiến.

Trong Dấu ấn cuộc đời, những giai đoạn Lưu Phước Lượng giữ trọng trách chủ trì công tác Đảng - công tác chính trị ở Sư đoàn 5 (Quân khu 7), Quân đoàn 4 (Quân khu 9) đã minh chứng rõ điều ấy. 

Điểm tựa và sức mạnh

Nói đến chiến tranh là nói đến tổn thất. Đã có hàng triệu người Việt Nam hy sinh hoặc cống hiến một phần thân thể vì độc lập tự do của Tổ quốc. Ấy vậy mà điều kỳ diệu đã đến với đại gia đình của Trung tướng Lưu Phước Lượng. Trong các cuộc kháng chiến ấy, gia đình Lưu Phước Lượng cả nhà đều tham gia cách mạng. Nhưng khi  đất nước hòa bình, cả nhà ông đều còn sót lại sau chiến tranh.

Cha ông - Đại tá Lưu Phước Anh (Tư Bình) trong kháng chiến chống Mỹ là Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Phước Thành. Mẹ ông ở lại vùng địch tạm chiếm làm cơ sở mật của ta. Các anh, chị, em đều tham gia kháng chiến. Có người trực tiếp cầm súng đánh giặc. Có người phục vụ ở tuyến sau. Và hầu như đều trở thành cán bộ cao cấp của quân đội. Chị gái của ông - Đại tá bác sĩ Lưu Kim Hà được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bản thân Lưu Phước Lượng nhiều lần bị thương. 

Lưu Phước Lượng đã dụng công với cảm xúc trào dâng khi viết về công cha, nghĩa mẹ; tình cảm anh em ruột thịt. Qua đó, người đọc có dịp so sánh xưa và nay và càng thấy được giá trị đích thực nét son của thế hệ vàng của cách mạng thời gian khổ ấy với phẩm chất sáng ngời: tất cả vì dân, vì nước; hy sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng.
Dấu ấn cuộc đời không chỉ là dấu ấn của các chặng đường kháng chiến gian khổ, ác liệt Lưu Phước Lượng đã trải qua mà còn là dấu ấn tình yêu của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
-----
(*) NXB QĐND - 2019

Tin cùng chuyên mục