Chuyện làm ăn

Báo động chất lượng cà phê

5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 830 triệu USD, cao gấp đôi so với mặt hàng gạo xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu nhờ sản lượng cà phê xuất khẩu tăng và giá cà phê tăng rất cao so với cùng kỳ năm ngoái (giá bình quân 1.350 USD/tấn, tăng 39% so với niên vụ trước). Có thể nói, các doanh nhân Việt Nam trong ngành cà phê đã tận dụng tốt cơ hội tăng giá để đẩy mạnh xuất khẩu, thu lợi nhuận tốt.

Dự báo tới đây, nhu cầu cà phê trên thế giới vẫn tăng 1,1% - 2%/năm, đặc biệt tại khu vực châu Á người dân sẽ tiêu dùng nhiều hơn do dân số tăng và kinh tế phát triển. Tuy nhiên, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) nhận định các nguồn cung ứng cà phê không tăng nhiều và khá nhạy cảm, nhất là trong tình cảnh nếu Brasil bị sương giá thì có thể ảnh hưởng đến sản lượng.

Dự báo này khiến cho giá cà phê thế giới vẫn tiếp tục giữ ở mức giá cao. Dự kiến niên vụ 2006-2007 (từ 1-10-2006 đến 30-9-2007), sản lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam có thể đạt trên 900.000 tấn, kim ngạch thu được trên 1,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo lạc quan thì một hiện tượng đáng lo là chất lượng cà phê Việt Nam đang trong tình trạng báo động tại hầu hết các thị trường. Thông tin mới đây cho biết, kiểm tra tại thị trường Liffe đối với hơn 700 bao thì có 300 bao cà phê bị loại, trong đó cà phê Việt Nam chiếm 88% (tăng hơn niên vụ trước 19%).

Tại cảng Antwerp (Bỉ), lượng cà phê bị loại qua kiểm tra có xuất xứ từ Việt Nam rất cao. Niên vụ 2005-2006, ICO phân loại cà phê nhập khẩu tại 10 cảng của EU, trong 1,5 triệu bao bị loại của 17 nước và vùng lãnh thổ đã có hơn 1 triệu bao của Việt Nam (chiếm 72%). Vì sao? Trước hết, quy trình chăm sóc và thu hái cà phê tại nước ta không được bảo đảm, đặc biệt là khi được giá thì hiện tượng trộm cắp cà phê diễn ra nghiêm trọng.

Người trồng cà phê tự bảo vệ mình bằng việc thu hái sớm, khi cà phê còn xanh. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng, làm cho cà phê Việt Nam thường chỉ đạt loại 3-4 và bị loại. Thêm vào đó, quy trình bảo quản và sơ chế cà phê nhân đòi hỏi phải tuân thủ một số kỹ thuật như không phơi dày làm cà phê lên men, không phơi trên tấm nylon vì cà phê hút mùi... Cà phê Việt Nam thường có mùi củi mục hay mùi cống rãnh vì chưa tuân thủ những quy trình kỹ thuật này.

Những vấn đề này trước đây nhiều năm đã được báo động. Tổng công ty cà phê Việt Nam cũng từng có chương trình xây dựng sân phơi cà phê bằng xi măng tại các khu vực trọng điểm nhưng chưa đáp ứng được bao nhiêu.

Điều đáng nói, trước yêu cầu hội nhập, quy trình kiểm soát chất lượng cà phê thế giới đòi hỏi ngày một chặt, buộc Việt Nam phải ban hành tiêu chuẩn mới đối với cà phê xuất khẩu trước khi thông quan (TCVN 4193:2005). Tuy nhiên, tiêu chuẩn này thực tế chưa được triển khai áp dụng, cà phê xuất khẩu vẫn được kiểm tra theo tiêu chuẩn cũ (TCVN 4193-93), tức là chỉ chú trọng đến tỷ lệ hạt đen, hạt vỡ, độ ẩm, tạp chất...

Mới đây, Bộ Thương mại yêu cầu bắt đầu từ đầu niên vụ 2007-2008, tức từ 1-10-2007 sẽ kiểm tra thông quan theo tiêu chuẩn mới. Quy trình này cần được phổ cập đến từng hộ nông dân. Nếu không có sự phối hợp làm tốt những việc trên, cà phê Việt Nam sẽ chỉ còn toàn vị đắng.

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục