Bất an bệnh viện

 
Người dân cả nước vẫn chưa hết bức xúc trước vụ việc một bác sĩ Phó khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhân ném ly vỡ đầu tới bất tỉnh, máu vương vãi khắp người, thì mới đây hàng chục đối tượng lại mang theo hung khí lao vào Khoa cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khống chế cán bộ y tế và bảo vệ, rồi chém tới tấp một nam bệnh nhân đang nằm trên cáng cấp cứu tới đứt cổ. Thậm chí, mới đây tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), một đối tượng sau khi đưa bạn vào cấp cứu đã không chỉ có lời lẽ xúc phạm nhân viên y tế, nhân viên an ninh của bệnh viện mà còn rút súng bắn loạn xạ trong bệnh viện khiến mọi người vô cùng hoảng sợ. Còn rất nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại nhiều bệnh viện ở nhiều địa phương và không gì có thể biện minh cho những hành động côn đồ, hung hãn xảy ra trong môi trường bệnh viện, nhất là đối với y, bác sĩ khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm tới 60%), tiếp đến là tuyến trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung phần lớn là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). 

Nghiêm trọng hơn, có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh… Mặc dù chưa có thông kê chính xác số vụ mất an ninh trật tự tại bệnh viện trong những năm qua nhưng chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã xảy ra trên 10 vụ gây rối, mất an ninh bệnh viện nghiêm trọng. Đáng báo động nữa, dù bạo lực đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn trong môi trường bệnh viện, nhưng trên thực tế, chúng ta lại chưa thực sự nhận thức đầy đủ về nguy cơ mất an toàn tại bệnh viện. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề mất an ninh trật tự bệnh viện chính là thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện. Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột; chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ. 
Thực tế cũng cho thấy, nhiều vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại bệnh viện còn bắt nguồn từ việc không ít người dân mất niềm tin vào một số y, bác sĩ do để xảy ra tai biến y khoa, hoặc do nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong bệnh viện. Không ít vụ việc, tình huống lộn xộn xảy ra giữa bác sĩ và bệnh nhân được suy đoán là có liên quan tới... “phong bì”. Nhiều người cảm nhận rằng khi đến các bệnh viện, họ như là người đang phải cầu cứu, được ban phát từ y, bác sĩ, chứ không phải họ là người chi trả tiền để nhận được dịch vụ y tế tương xứng. Do vậy, từ những bất đồng nhỏ, hay từ câu nói, cử chỉ thiếu nhã nhặn, thành mâu thuẫn, khiến cho mối quan hệ giữa không ít điều dưỡng, bác sĩ với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trở nên căng thẳng, bức xúc và rất dễ dẫn tới xô xát, hành hung. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng thẳng thắn chia sẻ, tình trạng gây rối tại bệnh viện, hành hung bác sĩ, điều dưỡng, người bệnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, sức khỏe và công việc của nhân viên y tế và cản trở các hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh trật tự trong bệnh viện, trong đó chủ yếu là tình trạng quá tải bệnh nhân, trong khi các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, việc giải quyết các sự cố, tai biến về y khoa nhiều khi chưa được xử lý tốt, giải thích cặn kẽ thấu đáo cho người bệnh dẫn tới sự bức xúc của người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, thái độ ứng xử của số ít cán bộ y tế, nhân viên bệnh viện đối với người bệnh cũng chưa đúng mức, dẫn tới mâu thuẫn và gây bức xúc cho người bệnh.

Để xảy ra những hành động côn đồ, hung hãn trong bệnh viện, ngoài sự thiếu kiềm chế của người nhà bệnh nhân, cũng có một phần nguyên nhân không nhỏ từ phía bệnh viện và cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ. Rõ ràng, bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện để nhân viên y tế yên tâm hành nghề, người bệnh an tâm chữa bệnh là việc làm cấp thiết, đòi hỏi Bộ Y tế và các bệnh viện cần phải có những giải pháp căn cơ. Trong đó, các bệnh viện cần không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm an ninh, trật tự, công khai quy trình khám chữa bệnh, giá dịch vụ y tế. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở, cũng như tuyển chọn lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp và thường xuyên tập huấn cho họ về kỹ năng xử lý các tình huống đặc thù. Bộ Y tế và các bệnh viện phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao y đức, thái độ ứng xử đúng mực, hòa nhã của cán bộ y tế đối với người bệnh; xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong môi trường bệnh viện.

Tin cùng chuyên mục