Tăng cường đầu tư, tạo nguồn hàng ổn định

Đẩy mạnh việc đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu, khép kín quy trình sản xuất an toàn từ “trang trại đến bàn ăn” là mục tiêu quan trọng hàng đầu của nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM.
Tăng cường đầu tư, tạo nguồn hàng ổn định

Doanh nghiệp ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm

Đẩy mạnh việc đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu, khép kín quy trình sản xuất an toàn từ “trang trại đến bàn ăn” là mục tiêu quan trọng hàng đầu của nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TPHCM.

        Khép kín mô hình

Những năm gần đây, Công ty Vissan đã thành công trong việc khép kín mô hình giữa nông nghiệp - công nghiệp - phân phối. Cụ thể là Vissan đã từng bước thực hiện khép kín từ đầu vào là gia súc, gia cầm, rau củ quả của bà con nông dân ở ngoại thành, ở các tỉnh với chế biến tinh của nhà máy, gắn với việc xây dựng các siêu thị mini, cửa hàng, đại lý bán thực phẩm của Vissan tại TPHCM và cả nước.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, nhìn nhận, nông dân - nhà máy - người tiêu dùng là mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau và cùng nhau phát triển để mang đến những sản phẩm vừa hợp túi tiền của đa phần người dân, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ mục tiêu này, Vissan xác định, bên cạnh việc đầu tư phát triển tổng đàn do chính công ty thực hiện tại các xí nghiệp chăn nuôi, Vissan đã không ngừng tìm kiếm những vệ tinh, đối tác chăn nuôi từ các tỉnh và TPHCM để đa dạng nguồn nguyên liệu.

Trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, Vissan đã thực hiện việc ứng vốn ban đầu, cung cấp thức ăn theo quy trình và hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh… sau đó Vissan sẽ thu mua sản phẩm với giá thị trường nhằm tạo sự yên tâm cho các đối tác.

Một trong những trang trại liên kết chăn nuôi gà thả vườn của Công ty TNHH San Hà tại ấp Cây Điệp, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Một trong những trang trại liên kết chăn nuôi gà thả vườn của Công ty TNHH San Hà tại ấp Cây Điệp, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Song song với đầu tư nguồn nguyên liệu, Vissan xác định muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa thì phải xây dựng hệ thống phân phối đi đôi với xây dựng thương hiệu. Thế mạnh của công ty hiện nay là thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, bao gồm 80 công ty thành viên với chương trình liên kết, phát huy sức mạnh đã tạo điều kiện cho Vissan hình thành được một hệ thống phân phối vững mạnh. Ngoài ra, Vissan cũng đã trở thành đối tác chiến lược của hầu hết các hệ thống siêu thị trên toàn quốc như Co.opmart, Big C, Citimart, Maximark…

Ngay từ cuối năm 2012, Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn đã hoàn tất việc nhập khẩu và nhân rộng giống bố mẹ đối với các mặt hàng gà giống và heo giống để kịp thời cung ứng cho các đối tác. Cụ thể, từ cuối tháng 7 đến nay, Xí nghiệp Chăn nuôi gà Củ Chi thuộc công ty đã sản xuất được hơn 67.500 con gà giống Lương Phượng 1 ngày tuổi, cung cấp cho thị trường 33.500 con, số còn lại sử dụng cho nhu cầu nội bộ của xí nghiệp. Khách hàng chính của công ty đã nhập gà con giống là Cơ sở Khang Thư, Công ty Chăn nuôi Bình Minh.

Ngoài ra, công ty cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Ba Huân về việc tiêu thụ sản phẩm gà con giống. Theo tính toán, với số lượng gà giống bố mẹ là 12.349 con, công ty sẽ sản xuất được 500.000 con giống từ nay đến cuối năm 2013, đáp ứng đủ nhu cầu con giống của Xí nghiệp Chăn nuôi gà Củ Chi và một phần nhu cầu của thị trường.

Ở mặt hàng heo giống, trong những tháng đầu năm 2013, công ty đã cung cấp cho thị trường hơn 3.500 con heo giống hậu bị, 26.500 heo con giống nuôi thịt và 1.200 tấn heo thịt. Khách hàng chủ yếu của công ty là các hộ chăn nuôi trong huyện Củ Chi, các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thành phía Bắc. Dự kiến từ nay đến cuối năm, công ty sẽ cung cấp cho thị trường 30.000 heo con giống nuôi thịt, 3.000 con heo giống hậu bị và hơn 1.000 tấn heo thịt. Công ty cũng đang tự xây dựng chuỗi cửa hàng phân phối các mặt hàng do chính mình sản xuất, từng bước triển khai chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín đạt chuẩn VietGAP.

        Thành công trong thử nghiệm giống mới

Là một DN chuyên cung cấp trứng gia cầm cho chương trình bình ổn thị trường của TP, từ nhiều năm qua Công ty Ba Huân đã không ngừng đầu tư cho việc nghiên cứu, tìm kiếm các loại giống mới đạt năng suất cao hơn, sau đó chuyển giao con giống, kỹ thuật nuôi và cung cấp thức ăn cho các hộ nông dân chăn nuôi rồi tổ chức thu mua trứng cho người dân. Gần 5 năm thành công với việc nhân giống loại vịt siêu trứng, tháng 8-2013 vừa qua, Ba Huân chính thức trở thành nhà cung cấp độc quyền giống gà Hy-Line của Mỹ tại VN.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết, để phân phối giống gà mới này, Ba Huân đã nuôi thử nghiệm sau gần 2 năm tại một trang trại ở Bình Dương. Với đặc tính thích nghi nhanh môi trường khí hậu VN, tỷ lệ con giống Hy-Line sống khỏe rất cao, dễ nuôi, chất lượng đảm bảo, màu trứng nâu đẹp đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như tiến tới xuất khẩu sẽ giúp cho các nhà chăn nuôi có lợi nhuận cao nhờ chất lượng ổn định.

Là giống gà lai, siêu trứng đầu tiên trên thế giới, gà Hy-Line từ 18 - 80 tuần tuổi có thể đẻ 350/trứng/con. Giống gà này cũng tiêu thụ lượng thức ăn thấp hơn so với các giống gà đẻ thương phẩm hiện nay, chỉ từ 107g/ngày/con, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn ở mức 1,99kg thức ăn/kg trứng. Đây chính là điều kiện để Ba Huân có thể đẩy nhanh tiến độ tự chủ về nguồn hàng, cung ứng cho thị trường TP, từng bước giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn hàng từ các DN FDI.

Trong lĩnh vực cung cấp thịt gia cầm, các DN như Phạm Tôn, San Hà cũng đẩy mạnh việc tự đầu tư hoặc ứng vốn liên kết với các trang trại để phát triển tổng đàn. Riêng Công ty Phạm Tôn đã thực hiện rất tốt việc đầu tư trong từng công đoạn từ ấp trứng đến phát triển con giống, nuôi gà thịt… nhằm khép quy trình sản xuất và giết mổ gia cầm đạt chuẩn VietGAP để cung cấp hàng bình ổn cho thị trường. Nhờ cách làm sáng tạo, nên giá thành sản phẩm của Phạm Tôn luôn thấp hơn khá nhiều so với giá bán trên thị trường.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, xây dựng mối gắn kết giữa công nghiệp và nông nghiệp đã giúp Vissan đạt được 4 mục tiêu lớn: chủ động được nguồn nguyên liệu, không ăn đong từng bữa; có thể giảm được giá thành, nếu có tăng thì chỉ tăng nhẹ hơn là phải đuổi theo giá thị trường sẽ ảnh hưởng đến sức mua; giảm thiểu những tác động của khó khăn hiện nay như tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động của giá cả thị trường vào chi phí để gia tăng lợi nhuận và kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

TƯỜNG DÂN - UYỂN NHƯ

Tin cùng chuyên mục