Cần mạnh tay bình ổn giá

Trong những ngày cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã liên tiếp ban hành hai quyết định 69 và 70 về việc quy định mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo Bộ này, đây là một trong những giải pháp quan trọng mang tính tạm thời nhằm đối phó với tình hình giá cả trên thị trường thế giới, trong nước đang có những ảnh hưởng xấu đến đến tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng trong nước. Các quyết định này đều chính thức có hiệu lực từ hôm qua (8-8).

Theo đó có trên 50 mã hàng hóa nhập khẩu quan trọng ảnh hưởng đến giá cả trong nước đã được điều chỉnh thuế suất nhập khẩu như thịt trâu, thịt bò tươi đông lạnh giảm từ 20% xuống còn 12%; thịt lợn tươi động lạnh, ướp lạnh từ 30% xuống còn 12%; phôi thép từ 5% còn 2%; điều hòa từ 40% xuống còn 30%; ô tô nguyên chiếc chở người từ 80% còn 70%. Đây là những nhóm hàng có những ảnh hưởng lớn đến cách tính chỉ số giá cả trong nước, nhất là thực phẩm.

Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, việc giảm thuế những mặt hàng này sẽ buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm chi phí để cạnh tranh, tuy nhiên, ông cũng thừa nhận tác động đối với thị trường ra sao thì còn cần phải theo dõi. Trước đó, trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường, bên cạnh các biện pháp như phát hành trái phiếu để thu hút tiền nhàn rỗi; chọn công ty tốt phát hành cổ phiếu để thu hút tiền lưu thông cho sản xuất…

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của các mặt hàng đang có giá tăng cao, như thép, gas; đồng thời tăng cường kiểm soát giá độc quyền; phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Giá đối với các hành vi định giá, liên kết định giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm tránh tình trạng tăng giá dây chuyền trên thị trường.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết cơ quan này đã phối hợp với một số bộ, ngành thành lập các đoàn thanh tra và đã bắt đầu kiểm tra một số lĩnh vực quan trọng, tác động lớn đến giá cả tiêu cũng như một số mặt hàng có biểu hiện tăng giá bất thường thời gian qua như giá thép, gas tại một số doanh nghiệp lớn ở Hà Nội và TPHCM. Trong đó, công tác thanh tra sẽ tập trung rà soát các chi phí như đầu vào, quản lý, sản xuất của các doanh nghiệp này nhằm phát hiện, xử lý kịp thời việc tăng giá “vô tội vạ” nếu có và đồng thời cũng giúp cho các doanh nghiệp xác định được các khoản chi phí có thể cắt giảm để giảm giá thành, nâng sức cạnh tranh.

Giảm thuế nhập khẩu thì hàng hóa sẽ vào thị trường nhiều, tạo ra sự cân bằng cung cầu, sẽ tác động dây chuyền đến nhiều sản phẩm khác và tổng thể mặt bằng giá sẽ giảm. Song để kiềm chế giá cả có hiệu quả cần phải kết hợp biện pháp kiểm tra giá các tập đoàn lớn, những điểm bán buôn, có biện pháp mạnh tay buộc các doanh nghiệp bán đúng giá và xử lý kiên quyết các vi phạm kiểu “thừa gió bẻ măng”, tăng giá mang tính đầu cơ bất hợp lý.

Thanh Hằng
(Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục