Cẩn trọng trước nguy cơ “mượn” danh hàng Việt

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước sang năm mới 2019, thị trường tiêu dùng đang bước vào cuộc chạy đua đáp ứng nhu cầu khách hàng, phục vụ cao điểm mua sắm dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Thị trường “nóng” dần, kéo theo nguy cơ hàng dỏm, giả mạo xuất xứ cũng được nhiều cơ quan chuyên trách cảnh báo. 

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo khả năng hàng Trung Quốc chuyển sang nước ta để lấy xuất xứ, tránh chịu thuế cao từ Mỹ thông qua doanh nghiệp khác đặt tại Việt Nam.

“Con sâu làm rầu nồi canh” Rảo một vòng quanh các cửa hàng, cả trực tuyến (trên internet), dễ thấy hàng hóa cuối năm “đổ bộ” vào thị trường TPHCM cũng như các tỉnh rất nhiều, bao gồm đủ loại từ quần áo, mỹ phẩm, túi xách đến đồ điện tử…, xuất xứ rất đa dạng, từ Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, đến Thái Lan, Hồng Công (Trung Quốc). Điều lạ, cũng có những sản phẩm ghi rõ “Made in Vietnam” nhưng kiểm tra sản phẩm lại ghi bằng tiếng Trung Quốc. Người bán không ngại nói thẳng, để đáp ứng thị hiếu khách hàng nên họ đành ghi “Made in Vietnam” cho khách yên tâm, chứ thực tế đều được đánh về từ Quảng Châu (Trung Quốc). Ngoài ra, còn một số vụ việc tương tự mà “quân ta hại quân mình”, điển hình như việc doanh nghiệp nhập khoai tây Trung Quốc, sau đó nhuộm đất đỏ để hô biến thành khoai tây Đà Lạt, phân phối cho khắp các tỉnh thành Việt Nam, quả thực là điều đáng lo ngại. 
Cẩn trọng trước nguy cơ “mượn” danh hàng Việt ảnh 1 Doanh nghiệp cần thận trọng trước nguy cơ bị “mượn” danh
 Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, một trong những tác động có thể nhận thấy là hàng Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ. Cho nên, Việt Nam cần kiểm soát tốt việc chuyển tải hàng hóa. Bởi trước đó, mặt hàng thép bị Mỹ trừng phạt thuế lên tới 450% là bài học cho doanh nghiệp. Đối với một số mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, như nội thất, thủy sản, da (làm túi xách các loại) luôn tiềm ẩn rủi ro gắn xuất xứ hàng Việt để xuất qua Mỹ. Đáng lưu ý, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào nước ta nhưng theo kiểu mượn danh để đưa hàng vào lấy xuất xứ Việt Nam. Đối với Mỹ, trong trường hợp có chế biến đi chăng nữa thì việc chế tạo nhưng không áp dụng công nghệ vẫn bị coi là hàng chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam. Câu chuyện đặt ra ở đây chính là nguy cơ cả ngành bị áp thuế chứ không riêng một doanh nghiệp nào. Mà thực tế thì Mỹ cũng đã tính toán đến các khả năng trên và có biện pháp truy xuất được dòng hàng, nên nếu không cẩn trọng, các ngành hàng của Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
Nâng cao ý thức doanh nghiệp
Trao đổi với báo chí về việc doanh nghiệp lừa đảo khách hàng (vụ khoai tây nói trên), Tiến sĩ Trần Du lịch cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, mà doanh nghiệp vẫn còn làm ăn chụp giựt, thì rõ ràng đó là mối họa cho cả quốc gia, làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Điều doanh nghiệp cần làm chính là chủ động hợp tác với nhau trong chuỗi giá trị chia sẻ. Ngược lại, nếu chỉ trông chờ vào Nhà nước không thôi sẽ rất khó. Tất nhiên, phía Nhà nước cũng nên xem xét tập trung vào chính sách gì. Chẳng hạn việc quan trọng là nên tập trung nâng chất lượng các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên, góp phần minh bạch xuất xứ hàng hóa. Trong tương lai, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký đều căn cứ trên xuất xứ hàng hóa, xuất xứ nguyên liệu. Tính minh bạch này cần phải làm ngay và thực hiện sớm. Chúng ta cần phải nâng tầm về Luật Công nghiệp hỗ trợ mà hiện nay đang ở dạng nghị định. Thứ nữa là gắn ngành công nghiệp hỗ trợ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở phương diện quản lý nhà nước, cần xây dựng những tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp dựa vào đó mà tuân thủ, còn phía cơ quan chuyên trách tự kiểm tra, chứ đừng để “người ta” nhảy vô kiểm tra, chế tài mình… Một số chuyên gia kinh tế khác khuyến cáo, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, thay vì chỉ tập trung vào Trung Quốc (ngành may mặc đang nhập khoảng 70% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc); đồng thời ứng phó bằng cách lên kế hoạch chứng minh về nguồn nguyên liệu hoặc bán thành phẩm, giám sát chặt nguy cơ bị “mượn” xuất xứ hàng Việt… 

Tin cùng chuyên mục