Chăm trẻ từng ngày

Trong quá trình hình thành tính cách của trẻ, việc kết hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường là hết sức quan trọng. Đôi khi những lời dạy hàng ngày của thầy cô ở trường lại góp phần giúp trẻ biết lắng nghe và ngoan hơn. Xin được kể ra đây 2 câu chuyện như những lời tri ân của tôi cũng như những phụ huynh có con được may mắn học cách dạy của các thầy cô này.
Chăm trẻ từng ngày

1. Khi con trẻ mới học đến lớp 2, phụ huynh nào cũng lo chuyện ăn uống, đi đứng, học hành của con. Cho nên, mỗi sáng ai nấy đều tất bật lo cho trẻ mọi điều. Thậm chí hôm nào không kịp lo cho con ăn uống ở nhà, hàng quán, phụ huynh còn đưa con vô sân trường ngồi ở các dãy ghế đá đút cho con từng muỗng xôi, cơm… Tôi nhớ, có lần đưa con vào trường (ở quận 6, TPHCM) hơi sớm nên ngồi ở ghế đá nói chuyện, chơi với con, tình cờ ngồi cạnh một phụ huynh nam khi anh đang cố ép con ăn cơm sườn như để cho con có sức mà học. Anh chia sẻ: “Sáng nay, bà xã đi làm sớm, nên dặn tôi mua hộp cơm rồi vô sân trường ngồi đút cơm cho con ăn hết, mới đưa con lên lớp học. Mà ngồi hơn 20 phút rồi, đút bé ăn mới được có mấy muỗng, kiểu này chắc trễ học quá…”. Một nữ phụ huynh cũng ngồi chờ cho con ăn sáng gần ghế đá, liền nói: “Mấy đứa nhỏ bây giờ, hầu như đứa nào cũng lười ăn, chờ ba mẹ đút từng muỗng mới chịu ăn. Thiệt khổ!”. 

Thấy các bạn đồng trang lứa ngồi ăn sáng một cách khổ sở như vậy, con gái tôi liền nói: “Cô con nói, học đến lớp 2 rồi mà còn để ba mẹ đút ăn như vậy là xấu lắm. Lớn rồi, phải tự mình mút cơm ăn mới ngoan… Lúc đầu năm học, trong lớp của con có mấy bạn không tự mút cơm ăn, nhưng sau khi nghe cô nói, bây giờ cả lớp bạn nào cũng tự mút cơm ăn hết rồi!”. Rồi đến giờ đưa con gái lên lớp học, khi mới đi đến chân cầu thang, con liền nói: “Ba về đi làm đi, để tự con mang cặp lên lớp học được rồi. Ba mà đưa con lên lớp, cô thấy là con sẽ bị la đó!”. Nghe con nói vậy, tôi liền hỏi: “Ba đưa con lên lớp, cô lại la con?”. “Thì cô đã nói, “các con lớn rồi, mình phải tự mang cặp lên lớp học, đừng để ba mẹ phải lo từng tí như vậy. Mình phải biết phụ giúp ba mẹ tự làm những việc hàng ngày của mình”. Ba đưa cặp đây cho con!”, con gái cho biết. Nói xong, con gái tôi mang cặp đi nhanh nhẹn lên các bậc cầu thang… Khi dõi theo từng bước chân của con, tôi mừng và cảm ơn cô giáo đã, đang dạy con tôi học những điều tốt đẹp cho cuộc sống của cháu sau này.

2. Đến khi học lớp 4, con gái tôi cũng như các bạn của cháu lại may mắn được học một thầy giáo… thích đọc sách. Đầu năm học, khi họp phụ huynh, thầy giáo chia sẻ: “Mặc dù nhà trường có thư viện dành cho học sinh, nhưng số lượng sách có hạn và nhiều học sinh, nên giờ ra chơi không phải bạn nào cũng được đọc sách. Chính vì vậy, mà tôi mong muốn làm một tủ sách cho riêng học sinh của lớp mình. Ngoài những quyển sách mà tôi hiện có, mong rằng phụ huynh cho mỗi cháu đóng góp 1 quyển. Chỉ cần đóng góp 1 quyển, mỗi cháu sẽ được đọc mấy chục quyển sách khác trong tủ sách này. Sở dĩ, tôi muốn lập tủ sách như vậy là để giúp các em thói quen đọc sách hàng ngày, giảm bớt xem ti vi và chơi game”. Với ý tưởng của thầy giáo này, gần như tất cả phụ huynh có mặt lần họp ấy đều ủng hộ. Thậm chí có phụ huynh còn hứa “đóng góp mấy quyển sách”.

Và ngày qua ngày, dường như tinh thần đọc sách của người thầy như đã truyền cho các em học sinh, trong đó có con tôi. Nhờ vậy mà sau những giờ học, khi về nhà có thời gian rảnh, con tôi đều thích đọc sách, thậm chí có những quyển sách cháu thích luôn được cháu đọc rất nhiều lần. Cho nên, giờ đây mỗi khi có dịp đi nhà sách, con tôi đều thích được mua sách về đọc. Mỗi lần như vậy, tuy có hơi tốn kém một chút, nhưng tôi không tiếc mà ngược lại còn thầm mừng trong lòng và cảm ơn thầy giáo của con. Có lần tôi đùa với con: “Con đọc sách hoài không cảm thấy chán hả?”. Con gái đáp ngon lành: “Sách hay mà ba!”. Nói xong, miệng bé cười tủm tỉm, mắt say sưa đọc sách…

Tin cùng chuyên mục