Phân tích những điểm bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa, thể thao, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất xây dựng, sửa đổi một số đạo luật. Theo đó, xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa, thể thao tạo động lực xây dựng phát huy hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao.
Cụ thể, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cần bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cần điều chỉnh theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bổ sung quy định theo hướng phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa…
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị xem xét thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; đảm bảo mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa, thể thao theo mục tiêu được đề ra tại Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các chương trình, đề án, quy hoạch; mức chi ngân sách nhà nước cho đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao Trung ương và cơ sở; tăng cường nguồn vốn ngân sách đầu tư của nhà nước cho hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở…
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đề nghị sớm xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Những kiến nghị cụ thể đối với các bộ, ngành cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ. Trong đó, ông đề nghị Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Với Bộ KH-ĐT, bộ đề nghị nghiên cứu xây dựng hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cá nhân tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất và tham gia hoạt động văn hóa; nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách, tăng cường xã hội hóa, thực hiện cân đối vốn ngân sách nhà nước và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao.
Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT được đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn về quy hoạch, kế hoạch, định mức sử dụng đất, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tính đặc thù, nhu cầu của từng vùng, miền, đối với từng loại hình trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.
Đối với các địa phương, người đứng đầu ngành VH-TT-DL đề nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh đối với các thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường giám sát và có cơ chế khuyến khích cộng đồng giám sát, tham gia đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao; thực hiện quy hoạch, tuyển dụng công chức, viên chức văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu và quy định về tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên…