Quốc hội thảo luận về Luật Thuế tài nguyên - Quốc hội phải quyết định mức thuế suất

Quốc hội thảo luận về Luật Thuế tài nguyên - Quốc hội phải quyết định mức thuế suất

Ngày 21-10, ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thuế tài nguyên.

  • Thuế cao đối với tài nguyên không có khả năng tái tạo

Theo tờ trình của Chính phủ, số thu thuế tài nguyên từ năm 2005 đến 2008, bình quân mỗi năm trên 23.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh trong nước (trong đó, thuế tài nguyên từ dầu khí khoảng 22.160 tỷ đồng, chiếm 95,5% tổng số thu thuế tài nguyên.

Dự thảo luật quy định chi tiết hơn về nhóm, loại tài nguyên và điều chỉnh khung thuế suất theo nguyên tắc: Tài nguyên không có khả năng tái tạo thì thuế suất cao; tài nguyên có khả năng tái tạo thì thuế suất thấp; không có thuế suất 0% vì đây là tài nguyên quốc gia, bất kỳ ai sử dụng cũng phải có nghĩa vụ đóng góp; thuế suất quy định theo loại tài nguyên, hạn chế quy định phân loại theo mục đích sử dụng.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Phát biểu tại tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên nói: “Thời gian vừa qua tài nguyên thất thu nhiều. Sau năm 2050, thế giới sẽ khủng hoảng khoáng sản. Vì thế chúng ta phải tiết kiệm tài nguyên, đưa biểu thuế cao lên”.

Nói về tình trạng khai thác tài nguyên tràn lan, không có kế hoạch hiện nay, ĐB Lê Hồng Phương (đoàn Đồng Nai) đề nghị, trong Luật Thuế tài nguyên cần có quy định cụ thể tài nguyên nào được khai thác trước, tài nguyên nào để lại khai thác sau. Từ đó có chiến lược khai thác tài nguyên một cách cụ thể, tránh tình trạng khai thác bừa bãi làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước.

  • Thuế phải bù đắp được mất mát của môi trường

Về thẩm quyền quy định thuế suất cụ thể trong khung thuế suất, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể tại từng thời điểm đối với từng đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý. Vì chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế.

Khi thảo luận, nhiều đại biểu QH cũng đồng ý với đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đó là trước mắt Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao Ủy ban Thường vụ QH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên.
Còn về lâu dài, mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phải được quy định trong luật. Các ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Danh Út (đoàn Kiên Giang), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đều khẳng định, việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Một vấn đề khác, so với khung thuế suất hiện hành thì khung thuế suất trong dự thảo luật đã được điều chỉnh theo hướng giảm mức thuế suất trần của khá nhiều nhóm tài nguyên, đồng thời tăng một số nhóm.

Theo ĐB Tất Thành Cang (TPHCM), việc tăng, giảm thuế suất của nhiều nhóm tài nguyên cần được làm rõ hơn. “Căn cứ tính thuế suất phải thể hiện việc khuyến khích hay không khuyến khích khai thác tài nguyên. Nếu tài nguyên không khuyến khích khai thác, phải thuế suất thật cao”, ĐB Cang phát biểu. Đồng thời nhấn mạnh, thuế tài nguyên phải góp phần tái tạo tài nguyên đã mất, bù đắp phần đã khai thác để dành lại cho đời sau, bù đắp sự mất mát của môi trường.

Bên cạnh đó, khung thuế suất rất nhiều, nhưng tất cả các loại khung thuế suất đều có biên độ quá rộng (ví như dầu thô, thuế suất từ 6% - 40%; khí thiên nhiên, khí than thuế suất từ 1% - 30%; khoáng sản kim loại từ 5% - 25%), “Với biên độ này sẽ rất dễ dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình thực hiện”, đại biểu Danh Út nhấn mạnh.

  • Người cao tuổi được ưu tiên chăm sóc

Chiều 21-10, QH họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự án Luật Người cao tuổi. Đây là dự án đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

So với lần trình trước, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng tập trung ưu tiên trợ giúp những người cao tuổi có khó khăn về kinh tế, tuổi cao. Bổ sung quy định người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi là con, cháu nội, cháu ngoại của người cao tuổi và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Độ tuổi xác định người cao tuổi là 60, chung cho cả 2 giới.

Đáng lưu ý, về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, dự thảo luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho các trạm y tế và khuyến khích tổ chức, cá nhân tổ chức khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại nơi cư trú. Bổ sung quy định về bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, theo đó, người cao tuổi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác thì được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu.

Ph.Thảo - A.Phương

Tin cùng chuyên mục