Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước

Sáng 28-4, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2010), đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đến viếng, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ và Nghĩa trang thành phố.
Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước

(SGGP).- Sáng 28-4, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2010), đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn đã đến viếng, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ và Nghĩa trang thành phố.

Cùng ngày, các đại biểu TPHCM cũng đã viếng, thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi, dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi và viếng, thắp hương tại Nghĩa trang chính sách thành phố (Củ Chi).

Tối 28-4, tại TPHCM đã diễn ra cuộc gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam-Campuchia-Lào. Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia dẫn đầu. Đoàn đại biểu Campuchia do bà Men Sam An, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Hoàng gia Campuchia dẫn đầu và đoàn đại biểu Lào do ông Vilayvong Bouddakham, Phó Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào làm trưởng đoàn. Tới dự lễ khai mạc còn có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua và Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM Dương Quan Hà.

>> Ngày 28-4, Hội đồng xét giảm án tha tù TAND TPHCM cho biết: Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 231 phạm nhân đang thụ án tại các trại tạm giam Bố Lá, Chí Hòa (Công an TPHCM) và các trại tạm giam T17, B34 (Bộ Công an) được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù do có ý thức cải tạo tốt. Trong đó có 170 phạm nhân được giảm án từ 3 tháng đến 18 tháng và 61 phạm nhân được tha tù trước thời hạn.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Mão, trưởng đoàn Việt Nam, nêu bật ý nghĩa của chiến thắng mùa xuân năm 1975, xem đó là thắng lợi chung của 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào. Lịch sử sẽ còn ghi nhớ mãi những hy sinh xương máu của quân đội và nhân dân hai nước Lào và Campuchia anh em trên những nẻo đường nơi đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh đi qua trên đất Lào và Campuchia. Tiếp tục truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong đấu tranh giải phóng dân tộc, 35 năm qua, nhân dân ba nước không ngừng đoàn kết trên bước đường xây dựng và phát triển đất nước, mở rộng hợp tác nhiều mặt, trong đó có hợp tác trong khối ASEAN, Hành lang kinh tế Đông-Tây và hợp tác tiểu vùng Mekong.

Hôm nay, 29-4, sẽ diễn ra hội thảo “Đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển” sau đó đại diện 3 đoàn sẽ đến chào lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước khi dự lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam tại TPHCM vào ngày mai 30-4.

Ngày 28-4, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2010). Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 7 nhấn mạnh: “35 năm nhìn lại, thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 thể hiện sức mạnh phi thường của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trở thành một thắng lợi của lòng dân. Đó là thắng lợi của nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng thắng số lượng; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao với các nhân tố lực - thế - thời trong chiến đấu để chiến thắng”.

Dịp này, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến. Đó là: Tiểu đoàn 302 (Phân Liên khu miền Đông Nam bộ); Phòng Tác chiến và quân báo, Phòng Thông tin, Phòng Quân giới, Đoàn 21 trinh sát kỹ thuật đều thuộc Bộ Tham mưu miền nay là Quân khu 7. Được biết, trong dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, Quân khu 7 vinh dự tự hào có 24 tập thể và 56 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Cùng ngày, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM đã khánh thành công trình xây dựng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại số 28, đường Võ Văn Tần, quận 3. Công trình được khởi công từ năm 2002 trên diện tích 5.463m2 gồm các khối nhà trưng bày, sân trưng bày máy bay, xe tăng và hiện vật lớn… với tổng chi phí đầu tư trên 22,2 tỷ đồng.

Nhóm PV

Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch và Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 với tiết mục hợp xướng và múa “Dấu chân phía trước”. Ảnh: AN DUNG

Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch và Đoàn nghệ thuật Quân khu 7 với tiết mục hợp xướng và múa “Dấu chân phía trước”. Ảnh: AN DUNG

Tin cùng chuyên mục