Công tác tuyên giáo và phương pháp “4 phục”

Nhiều câu chuyện cảm động, nhiều suy nghĩ thẳng thắn, nhiều bài học quý giá cùng những đề xuất, kiến nghị sâu sắc của các đồng chí từng làm công tác tuyên giáo được nêu lên tại Tọa đàm “Nâng cao sức thuyết phục, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức vào sáng 3-8. Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM tới dự.
Công tác tuyên giáo và phương pháp “4 phục”

Nhiều câu chuyện cảm động, nhiều suy nghĩ thẳng thắn, nhiều bài học quý giá cùng những đề xuất, kiến nghị sâu sắc của các đồng chí từng làm công tác tuyên giáo được nêu lên tại Tọa đàm “Nâng cao sức thuyết phục, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng của Đảng bộ TPHCM” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức vào sáng 3-8. Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM tới dự.

Lãnh đạo TPHCM thường xuyên đến với dân để nghe dân nói, nắm bắt thực tế cuộc sống. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo TPHCM thường xuyên đến với dân để nghe dân nói, nắm bắt thực tế cuộc sống. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Trần Trọng Tân (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)
Lý phục, tâm phục, khẩu phục và đức phục

Giải quyết các vấn đề tư tưởng phải bằng phương pháp thuyết phục. Theo tôi, cần thực hiện “4 phục”, đó là lý phục, tâm phục, khẩu phục và đức phục.

Lý phục là vận dụng lý luận bằng lý lẽ sắc bén, có chứng cứ xác thực để phân tích, bác bỏ lý luận sai trái.

Tâm phục là làm cho sức thuyết phục về tư tưởng thấm sâu vào lòng người thành lương tâm. Để đạt được tâm phục, người làm công tác tư tưởng vừa phải biết tâm lý, lại phải biết về đặc tính người. Có người làm sai mà góp ý riêng, thẳng thắn chân tình với kiểu “mày mày, tao tao” thì cười rồi sửa, nhưng nếu đưa ra chi bộ phê bình gọi nhau “đồng chí” thì không thích. Có người làm sai, góp ý phê bình thì phản ứng, nhưng vẫn âm thầm sửa lỗi. Vì vậy, theo kinh nghiệm sống ở đời là “dạy người có nhiều cách, không thèm dạy cũng là một cách dạy”.

Khẩu phục là “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không nên dựa vào uy quyền của người lãnh đạo, người chỉ huy bên trên mà nói tùy tiện, nặng lời, thậm chí mắng mỏ, làm cho người bị cho là “kẻ dưới” cảm thấy bị xúc phạm về nhân cách. Họ chẳng những không tiếp thu mà còn căm giận.

Đức phục là làm cho nhân dân tin phục Đảng vì thấy rõ Đảng là đạo đức, là văn minh, có lãnh tụ là Bác Hồ nêu gương sáng về đạo đức, thấy rõ những người lãnh đạo phần lớn là người có đạo đức, thấy những gương về người tốt được xã hội tôn vinh. Đạo đức người làm công tác tư tưởng của Đảng phải là trung thực, khiêm tốn.

Đồng chí Dương Đình Thảo (nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)
Đấu tranh để bảo vệ cái mới

Chúng ta học tập cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về cách tư duy đổi mới, dám đấu tranh để bảo vệ cái mới. Ví dụ sau ngày miền Nam giải phóng năm 1975, cũng như nhiều địa phương khác, lãnh đạo TPHCM muốn thay đổi cách làm ăn cũ, nên ủng hộ, cho phép tiến hành thí điểm về quản lý và sản xuất ở một số cơ sở. Kết quả, nhiều việc dù có tiếng vang ra ngoài TP, nhưng nếu so với lý luận lúc bấy giờ thì lại… sai, thành thử TP chẳng những “không được hoan nghênh” mà còn bị thanh tra, thẩm định trách nhiệm.

Lúc ấy, lãnh đạo TP cho rằng, do cách thông tin sai lệch, nên những việc làm đổi mới này không được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng hiểu đầy đủ. Vì vậy, TPHCM đã tổ chức cho những người đang làm thí điểm về quản lý, sản xuất theo cách mới được gặp để báo cáo trực tiếp với đồng chí Trường Chinh và các đồng chí lãnh đạo khác. Việc làm đúng đắn của TP được Trung ương đồng tình, xem xét. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, vấn đề đổi mới đã được công nhận, thể hiện trong nghị quyết đại hội. TPHCM đã góp phần tích cực vào việc suy nghĩ, tìm tòi và làm thử để những việc làm ban đầu trở thành kinh nghiệm chung cho cả nước.

Đồng chí Hồ Thiệu Hùng (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM)
Đủ dũng khí để nói lên sự thật

Báo cáo thời sự phải mang tính thời sự. Nhưng trong thực tế, có vụ việc nóng hổi, người dân bức xúc muốn biết thực hư thì báo cáo viên lại nói là chưa được cấp trên hướng dẫn nói, mức độ nói, nên chưa dám nói. Đến khi được phép nói, sự việc đã lắng xuống, định kiến đã được hình thành, nếu định kiến sai sẽ rất khó gột bỏ. Phản ánh trung thực cuộc sống lên cấp trên đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải có dũng khí và khéo léo. Có nghe dân thì mới phản ánh đầy đủ thông tin, giúp lãnh đạo nhận rõ thực chất vấn đề cần giải quyết. Nghe dân còn giúp cán bộ tuyên giáo biết “dân nghĩ gì” để từ đó tham mưu cho Đảng “phải làm gì”

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục