Tăng cường giám sát giữa hai kỳ họp Quốc hội

“Tăng cường đại biểu chuyên trách cho địa phương đồng thời phải tháo gỡ cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thời gian, phương tiện cho đại biểu hoạt động, nếu không rất khó phát huy hiệu quả”. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 63 tỉnh thành, do Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu chủ trì, diễn ra ngày 28-11.

“Tăng cường đại biểu chuyên trách cho địa phương đồng thời phải tháo gỡ cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thời gian, phương tiện cho đại biểu hoạt động, nếu không rất khó phát huy hiệu quả”. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 63 tỉnh thành, do Phó Chủ tịch QH Uông Chung Lưu chủ trì, diễn ra ngày 28-11.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, đề nghị tăng cường hoạt động giám sát giữa 2 kỳ họp nhưng thời gian giám sát phải hợp lý. “Có lúc cùng 1 ngày nhưng TPHCM tiếp đến 2 đoàn giám sát của QH nên gây khó khăn cho địa phương trong việc tiếp đoàn” - ông Lập dẫn chứng. Ở khía cạnh khác, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng: Khi Ủy ban Thường vụ QH lập đoàn giám sát thì có nhiều thành viên nhưng đến địa phương giám sát chỉ lèo tèo vài người nên hiệu quả thấp!

Nhiều ĐB cũng phản ánh, lâu nay QH thường chậm trễ khi gởi văn bản, dự thảo luật đến các tỉnh, TP để lấy ý kiến góp ý; ngoài ra công tác soạn thảo văn bản và dự thảo luật của các bộ, ngành chức năng cũng như cơ quan giúp việc cho QH còn sơ sài, chưa nghiêm túc, cần được khắc phục sớm. Đặc biệt, các ĐB cho rằng nhiều dự án luật chất lượng chưa cao khiến cho việc xem xét của ĐB, QH khó khăn. “Kiên quyết không đưa các dự án luật chưa đạt chất lượng xem xét tại QH” - đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu. Đối với một số dự án luật quan trọng liên quan đến cử tri cần truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi.

Theo đánh giá của một ĐB, 80% câu hỏi chất vấn không phải là chất vấn. Ông Lê Thanh Vân, thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, thẳng thắn: Nhiều ĐB chất vấn dài dòng, lê thê làm cử tri chưa hài lòng! Ông Huỳnh Thành Lập cũng nhận định: “Có ĐB hỏi bộ trưởng mà nội dung câu hỏi đã được bộ trưởng thông tin trước đó. Vì vậy chủ tọa kỳ họp nên kiên quyết “thổi còi” loại câu hỏi này”.

Theo quy định, khi chất vấn mỗi ĐB chỉ được hỏi 1 câu với thời gian 1 phút. Nhiều ĐB tán thành quy định này vì nếu một ĐB nào đó hỏi quá nhiều sẽ không có cơ hội cho ĐB khác chất vấn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chủ tọa kỳ họp không nên “tuýt còi” giữa chừng mà để ĐB nói hết những vấn đề cử tri quan tâm. “1 phút cho câu hỏi chất vấn là hơi gấp. Đề nghị tăng thời gian cho một lần chất vấn của một ĐB là không quá 2 phút vì thực tế trình độ của các ĐB không đồng đều!” - ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, đề nghị.

Ông Lê Thanh Vân cũng đề nghị QH nên đổi mới hoạt động chất vấn, trong đó tăng thời gian chất vấn lên 3 - 4 ngày để các bộ, ngành tập trung giải trình nhiều vấn đề, thay vì 2,5 ngày như hiện nay. Đại diện đoàn ĐBQH Hải Phòng cho rằng đòi hỏi các ĐB hỏi ngắn gọn thì các bộ trưởng cũng phải trả lời ngắn gọn, trọng tâm và không né tránh, câu giờ. Cũng có ý kiến cho rằng cần tăng cường hội nghị điều trần giữa 2 kỳ họp để giảm tải phiên chất vấn. 

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục