Quốc hội lo ngại về tình hình tội phạm

Đến năm 2015, nợ công không quá 65% GDP
Quốc hội lo ngại về tình hình tội phạm

* Đến năm 2015, nợ công không quá 65% GDP

(SGGPO). – Sáng nay, 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất đánh giá, năm 2012, các cơ quan tư pháp đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh được toàn diện tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên các mặt của đời sống Kinh tế - Xã hội.

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao

Các đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao

Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng trước diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm, gia tăng cả về số vụ cũng như tính chất nghiêm trọng của vụ án. Đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói tội phạm không chỉ có ở ngoài xã hội mà còn có ngay trong gia đình, nhiều vụ án con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em... rất đau lòng, gây bức xúc trong dư luận.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), đó là những biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân. Đại biểu này còn chỉ ra một thực trạng nhức nhối là ngày càng có nhiều vụ án đâm chém, giết người do trẻ vị thành niên gây ra.“Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đề cập tới vấn đề này, trong khi theo tìm hiểu của tôi, năm 2012 có khoảng 6.500 bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên, tăng hơn 40% so với năm 2011” – đại biểu Nguyễn Thái Học băn khoăn.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang)

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang)

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng một vấn đề rất đáng lo lắng là tuy tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra tăng nhưng các hình thức xử phạt nhẹ nên chưa có tính răn đe.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang), để công tác phòng chống tội phạm đạt được hiệu quả, Chính phủ cần phân tích và có giải pháp cụ thể cho từng nhóm tội phạm, chứ không nên chỉ nói chung chung. Nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan điểm rằng trước tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay, cần quan tâm tăng cường nguồn lực cả về vật chất và con người cho các lực lượng điều tra, truy tố, xét xử.

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, thực tế hiện nay ở địa phương lực lượng bảo vệ pháp luật còn thiếu, nên công tác phòng chống tội phạm gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) dẫn chứng về thành công của tổ công tác đặc biệt 141 ở Hà Nội khi cho rằng, nếu có đủ lực lượng và cách làm quyết liệt, sẽ nâng cao được hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở thiếu sót, thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật  nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình; cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm khắc với các loại tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người.

Đối với tội phạm tham nhũng, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nhận định kết quả đấu tranh còn chưa tương xứng với thực tế. Nhiều vụ tham nhũng chưa được xét xử nghiêm, cấp càng cao xử lý càng ít. Bên cạnh đó, có tình trạng chuyển từ tội nặng sang tội nhẹ.

Để công tác phòng chống tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn, nhiều đại biểu đề nghị cần có cơ chế mở rộng kê khai tài sản những người giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, tăng cường giám sát theo hướng công khai minh bạch hơn. Đặc biệt, đại biểu Trương Thị Yến Linh (ảnh) đề nghị trong trường hợp cần thiết Quốc hội cần xem xét thành lập ủy ban điều tra đặc biệt với những người giữ chức vụ cao có dấu hiệu tham nhũng, làm cơ sở để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng.

 Chính phủ báo cáo chi tiết về nợ công:
Đến năm 2015, nợ công không quá 65% GDP

(SGGPO).- Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công vừa được gửi đến Quốc hội, làm rõ thêm những băn khoăn được một số đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về ngân sách chiều 31-10. 

Theo bản báo cáo này, tổng số vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài tính đến cuối năm 2011 đạt 71,7 tỷ USD, trong đó số vốn đã được ký kết thông qua các hiệp định vay/thoả thuận viện trợ không hoàn lại là 54,1 tỷ USD. Vốn ODA đã được giải ngân cho các chương trình, dự án là 33,41 tỷ USD.

Đối với nợ trong nước, năm 2010 phát hành trái phiếu Chính phủ được 68.292 tỷ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỷ đồng; dự kiến năm 2012 là 120.000 tỷ đồng. 

Cũng tính đến thời điểm 31-12-2011, tổng số vốn cam kết vay thương mại nước ngoài là 4,08 tỷ USD, tổng số vốn đã rút là 3,06 tỷ USD, dư nợ là 2,9 tỷ USD. Trong đó, 68% dư nợ vốn vay nước ngoài của Chính phủ được đưa vào cân đối ngân sách, 32% cho vay lại các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn. 

Riêng với phần vốn cho vay lại, dư nợ tương đương 10,3 tỉ USD, bằng 8,5% GDP, tập trung vào điện, dầu khí, công nghiệp tàu thủy, cấp nước, nông nghiệp, đường cao tốc, hàng không, cảng biển, công nghiệp, xi măng, phát triển hạ tầng đô thị… 

Theo đánh giá của Chính phủ, hầu hết các dự án này hoạt động có hiệu quả, việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, trong 580 dự án cho vay lại, số dự án có nợ quá hạn là 55 dự án, với số dư nợ gốc quá hạn chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay lại. 

Bên cạnh đó, có 91 dự án đã được cấp bảo lãnh vay nước ngoài với tổng trị giá vốn cam kết là 10,468 tỷ USD, trong đó có 20 dự án đã hoàn trả hết nợ. Số dự án vay trong nước của các doanh nghiệp được cấp bảo lãnh là 16 dự án, với tổng số vốn cam kết là tương đương 3,21 tỷ USD (có 8 dự án đã trả hết nợ). Tổng số đã giải ngân đến hết năm trước là 2,24 tỷ USD và dư nợ gốc là 1,45 tỷ USD.

Ở lĩnh vực này là có 5/16 dự án xi măng và 2/4 dự án ngành giấy... gặp khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. 

Như vậy, tính đến ngày 31-12-2011, tổng dư nợ công của Việt Nam bằng 55,4% GDP, giảm 1,9% so với năm 2010. Trong đó, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78% và bằng 43,1% GDP. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 21% và bằng 11,7% GDP. Nợ chính quyền địa phương chiếm khoảng 1,0%; bằng 0,5% GDP.

Báo cáo nhìn nhận xu hướng gia tăng về nợ công, nợ Chính phủ trong năm 2012 và các năm tiếp theo; đồng thời chi phí vay nợ cũng có xu hướng gia tăng. Tới đây, nhằm thực hiện định hướng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế, nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 được kiểm soát ở mức không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. 

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Chính phủ sẽ chỉ xem xét cấp bảo lãnh vay trong nước đối với các dự án cấp bách, công trình trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh vay. Trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh Chính phủ.

ANH PHƯƠNG

HÀM YÊN. Ảnh: MINH ĐIỀN 

Tin cùng chuyên mục