Khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII

Nỗ lực vượt qua thách thức

Sáng 21-5, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tham dự phiên khai mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Nỗ lực vượt qua thách thức

(SGGP).- Sáng 21-5, kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tham dự phiên khai mạc kỳ họp có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII sáng 21-5 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Điền

Phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII sáng 21-5 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Điền

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, từ kỳ họp thứ hai đến nay, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần; xuất khẩu tăng, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản được kiểm soát. An sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi còn khó khăn, khủng hoảng nợ công chưa được khắc phục. Ở trong nước, kinh tế phát triển chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, dấu hiệu giảm phát và tốc độ tăng trưởng thấp cùng với những bức xúc về xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân đang làm khó khăn thêm cho việc đạt được mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012… Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, những nội dung quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này trong các mặt công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong phiên làm việc đầu tiên tại hội trường, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ “Bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012” và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Minh Điền

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Minh Điền

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình đề nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010. Theo đó, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội đề nghị xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 777.283 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 850.874 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước 109.191 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 35.600 tỷ đồng).

Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chủ trì soạn thảo và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về đề án đã được trình bày tại phiên họp chiều 21-5. Quốc hội cũng đã nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 và dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, UBTVQH dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm 30 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh trong chương trình chính thức và 18 dự án luật trong chương trình chuẩn bị. Đồng thời, đề nghị bổ sung 3 dự án luật và điều chỉnh tiến độ 5 dự án luật khác trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; bổ sung 3 dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế được chuyển từ chương trình thông qua tại kỳ họp thứ ba sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba và thông qua tại kỳ họp thứ tư; dự án Luật Biển Việt Nam được bổ sung vào chương trình thông qua tại kỳ họp thứ ba; dự án Luật Đất đai từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư sang chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm…

Đáng lưu ý, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII được đề nghị bổ sung 3 dự án luật, gồm Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Ban hành quyết định hành chính.

A.Thư


Xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng

Ngày 21-5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, thừa ủy quyền Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2011, tình hình thực hiện nhiệm vụ 4 tháng đầu năm và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012. Đáng lo ngại, Chính phủ thừa nhận đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế.

GDP quý 1 thấp hơn cùng kỳ 2 năm trước

Về tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2012, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, thị trường thế giới khó khăn, giá lương thực, thực phẩm và nguyên vật liệu cơ bản biến động phức tạp. Trong nước, kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, thị trường trong nước thu hẹp, sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất còn cao; số doanh nghiệp bị giải thể, đình đốn sản xuất tăng cao (đặc biệt là khối doanh nghiệp liên quan đến xây dựng, bất động sản), nhiều lao động mất việc làm. Nhưng với sự nỗ lực chung, tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong 4 tháng đầu năm 2012 đã có chuyển biến tích cực và đạt được kết quả bước đầu. Cụ thể, lạm phát được kiềm chế, CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,6%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán được cải thiện. Trần lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh giảm từ 14% xuống còn 12%. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng trở lại. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định…

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đã xuất hiện những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (5,57%) và năm 2010 (5,84%). Trong đó, công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 2,94%. Việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận và hấp thụ vốn. Chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, lao động mất việc làm tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước có trên 17.700 doanh nghiệp đã làm các thủ tục giải thể và ngừng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Chính phủ nhận định, tuy lạm phát giảm mạnh nhưng lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng. Nhập khẩu giảm mạnh, nhất là khối doanh nghiệp trong nước. Việc giảm nhập khẩu nguyên liệu, vật tư sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu.

Bảo đảm lạm phát mục tiêu năm 2012 khoảng 8% - 9%

Từ tình hình thực tiễn khó khăn của nền kinh tế trong những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chính phủ sẽ tập trung 6 giải pháp điều hành.

Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều chỉnh giảm lãi suất vay phù hợp với mức giảm của lạm phát; tăng khả năng vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện việc kéo dài thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, miễn thuế môn bài đối với một số đối tượng doanh nghiệp; trình Quốc hội xem xét miễn giảm thêm một số loại thuế. Chính phủ khẳng định triển khai các giải pháp để bảo đảm lạm phát mục tiêu năm 2012 khoảng 8% - 9%, tạo tiền đề cho việc kiềm chế lạm phát xuống mức thấp hơn trong những năm sau.

Song song đó, Chính phủ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống ngân hàng - tổ chức thương mại, doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Chính phủ khẳng định tiếp tục thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường; hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện đồng bộ chương trình cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Trong các giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm, Chính phủ cũng khẳng định sẽ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

  • Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

"Phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, nhất là các vụ việc mà dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trên tinh thần vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, công khai minh bạch, đúng pháp luật, vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Xử lý dứt điểm những vụ việc tồn đọng kéo dài, hạn chế để xảy ra những vụ khiếu kiện mới phức tạp, nhất là trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư"

  • Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5%

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu khẳng định, kinh tế 4 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định như báo cáo Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn với dấu hiệu suy giảm kinh tế và những vấn đề an sinh xã hội nảy sinh, thể hiện qua GDP quý 1 tăng trưởng ở mức thấp, thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5% - 6% và quý 2 dự kiến tăng khoảng 4,5%, như vậy sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% của cả năm 2012. Ủy ban Kinh tế cũng lo lắng khó khăn hiện nay của doanh nghiệp là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Sản xuất, xuất khẩu lúa gạo vẫn xảy ra tình trạng được mùa, mất giá trong thời kỳ đầu vụ. Chỉ số lạm phát thấp nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Nhiều vấn đề xã hội nổi cộm gần đây khiến người dân hết sức lo lắng như cháy nổ xe, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai, các vi phạm ở một vài tập đoàn kinh tế nhà nước mà Thanh tra Chính phủ vừa mới công bố...

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, các thành viên Ủy ban Kinh tế, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội nhất trí với Chính phủ về việc chưa đặt ra yêu cầu điều chỉnh các chỉ tiêu chủ yếu, nhưng đề nghị Chính phủ cần có các phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý phù hợp với diễn biến tình hình. Việc thực hiện một số chính sách thuế hỗ trợ các doanh nghiệp cần được tiến hành song song với việc cơ cấu lại nguồn thu, chi theo hướng hiệu quả, bền vững hơn nhằm hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Việc ban hành các loại phí cần có quá trình nghiên cứu, chuẩn bị thận trọng; thực hiện theo lộ trình, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, không gây khó khăn thêm cho người hưởng lương từ ngân sách, người lao động, người dân, tránh gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin. Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thông báo công khai kết quả xử lý cán bộ vi phạm, khả năng thu hồi vốn, tài sản trong các vụ vi phạm của các tập đoàn kinh tế nhà nước do Thanh tra Chính phủ kết luận và công bố.

Phan Thảo


Áp đặt kỷ cương, kỷ luật với doanh nghiệp nhà nước

Chiều 21-5, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày tại kỳ họp Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra về đề án này.

Đề án do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày dành phần lớn dung lượng vào những giải pháp chủ yếu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó có việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước – mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước – đề án nhấn mạnh yêu cầu “áp đặt đầy đủ kỷ cương nhà nước và kỷ luật thị trường buộc các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”.

Báo cáo thẩm tra đề án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Hầu hết các nguyên nhân nêu trong đề án không mới, đã tồn tại trong nhiều năm, được nhận diện và áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục nhưng chưa có chuyển biến toàn diện”. Đáng lưu ý, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Nhưng đây lại là vấn đề chưa được làm rõ trong đề án.

A.Thư


Lương công chức chỉ bằng nửa mức sống tối thiểu?

Ngay trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội gửi đến các vị đại biểu một số ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011 và tình hình triển khai nhiệm vụ năm 2012.

Theo đó, cần đánh giá sâu sắc hơn thực trạng và giải pháp đối với một số vấn đề đang bức xúc được xã hội quan tâm, nhất là tình trạng suy giảm kinh tế dẫn đến việc hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa, tình trạng thất nghiệp, mất việc làm gia tăng, sức mua suy giảm, lượng tồn kho lớn đã gây đình đốn sản xuất, giảm thu ngân sách nhà nước… Đáng lưu ý, mức lương tối thiểu công chức áp dụng từ 1-5-2012 là 1,05 triệu đồng và kể cả 25% phụ cấp công vụ cũng chỉ đạt gần 48,6% nhu cầu sống tối thiểu. Đối với khối doanh nghiệp, từ tháng 10-2011, các doanh nghiệp đã áp dụng mức lương tối thiểu theo 4 vùng (vùng cao nhất đạt mức khoảng 2 triệu đồng/tháng, cao hơn so với công chức từ 68% - 141%). Tuy nhiên, về cơ bản mức lương này mới bằng 57,4% - 62,9% nhu cầu sống tối thiểu. Một nhận xét quan trọng khác của ủy ban này là tình trạng đấu thầu thuốc ở bệnh viện hầu như chưa có gì chuyển biến. Vì vậy, Chính phủ cần sớm nghiên cứu cơ chế quản lý, đấu thầu giá thuốc và vật tư y tế để hạn chế chi phí quá cao về thuốc, vật tư y tế trong chi phí y tế.

A.Thư


Sẽ xem xét việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến

Theo chương trình kỳ họp thứ ba đã được Quốc hội thông qua, việc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của bà Đặng Thị Hoàng Yến (đoàn Long An) sẽ được tiến hành trong 3 phiên họp.

Cụ thể, ngày 23-5, từ 16 giờ 30, trong phiên họp riêng của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương sẽ trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đoàn ĐBQH tỉnh Long An. Vào ngày 24-5, từ 16 giờ 30, các đoàn ĐBQH họp để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Sáng 26-5, Quốc hội sẽ họp riêng về việc này, bà Nguyễn Thị Nương sẽ báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Sau khi bà Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu ý kiến (nếu đăng ký), Quốc hội sẽ thảo luận, tiến hành bỏ phiếu về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến.

L.Nguyên

Toàn văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tin cùng chuyên mục