Thể lệ Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định”

Cùng cả nước và với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, Sài Gòn - Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ thành phố này, Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước; khi Đảng ta ra đời, nơi đây là trung tâm của phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Cùng cả nước và với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, Sài Gòn - Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua chặng đường lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường và giành thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ thành phố này, Bác Hồ kính yêu đã ra đi tìm đường cứu nước; khi Đảng ta ra đời, nơi đây là trung tâm của phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Trong hai thời kỳ kháng chiến, Sài Gòn - Gia Định là trung tâm của phong trào đấu tranh đô thị, là địa bàn trọng điểm của chiến trường miền Nam, là điểm quyết chiến chiến lược của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; và đây cũng là địa bàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, các đồng chí Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Biết bao đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến công lao, xương máu, tuổi thanh xuân trên mảnh đất này, cho thành phố có được tự hào và vẻ vang hôm nay.

Để đời đời ghi nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo, đồng thời để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang cho các thế hệ sau, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định xây dựng Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định tại huyện Củ Chi, lập Đền thờ những người có công lớn với Sài Gòn - Gia Định, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định qua các thời kỳ.

Trong Khu Truyền thống có Bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” là một hạng mục cần thiết, hết sức quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt; nhằm khắc họa sâu sắc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tôn vinh công lao to lớn của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo đã hy sinh vì sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại.

Với ý nghĩa đó, Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” với nội dung và thể lệ như sau :

I. CHỦ ĐỀ, NỘI DUNG

1. Chủ đề:

“VĂN BIA TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH”

2. Nội dung:

- Quá trình đấu tranh kiên cường của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với những gian khổ, hy sinh và thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc.

- Tinh thần yêu nước, cách mạng, bất khuất, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

- Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định; những tấm gương tiêu biểu và truyền thống anh hùng của Sài Gòn - Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh.

II. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA

Tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.

III. THỂ THỨC

1. Thể loại:

Bài Văn bia có thể dùng thể văn xuôi, văn biền ngẫu, thông thường là sử dụng loại văn xuôi có nhịp điệu và có thể có đối ngẫu. Lời văn phải đĩnh đạc, trang trọng, cô đúc.

2. Bố cục gợi ý:

Bài văn bia có thể bố cục gồm 4 phần:

Phần 1: Khái quát về những giá trị lịch sử, truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và văn hóa, đạo đức, tinh thần của nhân dân Việt Nam, của Sài Gòn - Gia Định trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Phần 2: Thể hiện cuộc đấu tranh gian khổ và hào hùng của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định từ năm 1930 đến năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tri ân sự cống hiến, hy sinh, công lao xương máu của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang; đã âm thầm bảo vệ, đùm bọc, chở che cho các đồng chí lãnh đạo hoạt động trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định. Làm nổi bật lòng yêu nước sáng ngời, quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, anh dũng; ý chí bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước; bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Xứ ủy, Khu ủy, Thành ủy qua các thời kỳ, từng hoạt động trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định.

Phần 3: Luận về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định; những tấm gương tiêu biểu và truyền thống anh hùng của Sài Gòn - Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có công lao to lớn của các đồng chí lãnh đạo của Đảng.

Phần 4: Thể hiện tình cảm, lòng tôn kính và biết ơn công lao của đồng bào, đồng chí, của các đồng chí lãnh đạo; nêu lên sự bất tử của các tấm gương ấy. Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, anh hùng của Sài Gòn - Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng hiện nay và mãi mai sau.

3. Thể thức tác phẩm:

- Các tác phẩm tham gia, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Văn Bia là tác phẩm mới, chưa dự thi hoặc chưa tham dự các cuộc vận động sáng tác khác, chưa đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Bài có độ dài khoảng trên dưới 600 chữ, trình bày trên khổ giấy A4, phông chữ Times New Roman, cỡ 14.

- Một tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm tham dự. Tất cả các tác phẩm tham dự không hoàn trả lại cho tác giả. Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng các tác phẩm đạt yêu cầu trong việc in ấn, phát hành, quảng bá.

- Các tác giả tham gia, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác Văn Bia chịu trách nhiệm về bản quyền trước Ban Tổ chức cuộc vận động và pháp luật. Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn Bia có toàn quyền thu hồi mọi giá trị liên quan đến tác phẩm như: giấy chứng nhận, giải thưởng…nếu có vi phạm bản quyền tác giả.

- Tác phẩm tham dự gửi bằng văn bản; và cần ghi rõ:

Họ và tên (bút danh - nếu có),

Nghề nghiệp,

Địa chỉ liên hệ; số điện thoại; địa chỉ email của tác giả.

4. Cơ cấu giải thưởng:

- 01 giải Nhất.

- 01 giải Nhì.

- 01 giải Ba.

- 04 Giải Khuyến khích.

- Những bài viết được chọn vào vòng 2 (sau sơ tuyển) đều có thù lao.

IV.THỜI GIAN VÀ NƠI NHẬN TÁC PHẨM:

- Thời gian bắt đầu nhận bài: Từ ngày 01 tháng 09 năm 2012.

- Hạn chót nhận bài: Ngày 31 tháng 12 năm 2012 (theo dấu bưu điện).

- Nơi nhận bài: Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định”:

Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (127 Trương Định, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh).

Xin vui lòng chuyển tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác bằng đường bưu điện, dán kín phong bì đến địa chỉ trên; không chuyển bằng fax hoặc email.

Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định” rất mong nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả để cuộc vận động sáng tác Văn bia đạt được kết quả tốt nhất.

BAN TỔ CHỨC CUỘC VẬN ĐỘNG SÁNG TÁC VĂN BIA
“TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH”

Tin cùng chuyên mục