Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902 – 6-9-2012)

Người góp phần quan trọng đưa Đảng trở lại vai trò lãnh đạo (*)

LTS:
Người góp phần quan trọng đưa Đảng trở lại vai trò lãnh đạo (*)

LTS: Đồng chí Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư thứ hai của Đảng, nhà cách mạng tài ba, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng, lãnh đạo Đảng cũng như đào tạo những thế hệ cán bộ lãnh đạo đầu tiên cho Đảng. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong, Ban Biên tập Báo SGGP trân trọng giới thiệu đến bạn đọc lược trích bài viết của PGS.TS TRẦN MINH TRƯỞNG, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, về vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong trong việc khôi phục phong trào cách mạng và cơ quan lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn 1932-1935.

Người soạn thảo Chương trình hành động của Đảng

Đồng chí Lê Hồng Phong

Đồng chí Lê Hồng Phong

Sau thất bại của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đánh phá ác liệt các cơ sở Đảng. Hàng ngàn đảng viên và quần chúng cách mạng đã bị thủ tiêu, gần như toàn bộ cơ sở, tổ chức của Đảng bị phá vỡ. Ở Nam Kỳ, đầu tháng 4-1931, sau Hội nghị Trung ương họp tại Sài Gòn, Ngô Đức Trì bị bắt và phản bội, dẫn mật thám vây bắt toàn bộ các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương và trong Xứ ủy Nam Kỳ (trong đó có cả Tổng Bí thư Trần Phú)…

Trong bối cảnh đó, tháng 5-1931, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Lê Hồng Phong nhận chỉ thị của Quốc tế cộng sản trở về nước đảm trách nhiệm vụ hết sức nặng nề, trước hết là bắt liên lạc với các cơ sở còn sót lại của Đảng, đồng thời phải đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở trong quần chúng, từ đó khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng Đông Dương…

Trong khoảng thời gian từ nửa cuối năm 1932 đến trước năm 1935, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lê Hồng Phong, nhiều tổ chức, mạng lưới cơ sở Đảng trong nước được khôi phục; nhiều cán bộ được bí mật đưa sang Trung Quốc huấn luyện, bồi dưỡng lý luận cách mạng; một ban lãnh đạo của Đảng có vai trò quyết định mọi công việc quan trọng được thành lập ở Quảng Tây. Ban lãnh đạo thống nhất chủ trương tuyên truyền, học tập và hành động theo nội dung của bản kế hoạch “Chương trình hành động của Đảng” do Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo đã được Quốc tế cộng sản thông qua từ trước.

Nội dung bản “Chương trình hành động của Đảng” mà Lê Hồng Phong tham gia soạn thảo đã phân tích và đề cập đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Trong phần thứ nhất của văn kiện này, dưới nhan đề: “Những nhiệm vụ căn bản của cách mạng Đông Dương”, sau khi phân tích kỹ các mặt kinh tế, chính trị, xã hội ở Đông Dương, “Chương trình hành động” đã chỉ rõ đường lối đề ra trong “Luận cương chính trị” năm 1930 là đúng đắn, những tổn thất, khó khăn mà Đảng gặp phải chỉ là tạm thời, không vì thế mà hoảng hốt, bi quan, thất vọng.

Chương trình hành động nhận định rằng: “Chỉ có tranh đấu dưới ngọn cờ của Đảng thì nhân dân lao động mới có thể tiến hành cách mạng thành công”. Chương trình hành động cũng nêu rõ những mục tiêu chủ yếu của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ, về cơ bản vẫn là chiến lược cách mạng tư sản dân quyền với hai nhiệm vụ phản đế và điền địa. Tuy còn có những hạn chế nhất định, nhưng Chương trình hành động là một văn kiện quan trọng, định hướng hoạt động cho những người cộng sản Việt Nam trong quá trình khôi phục phong trào cách mạng.

Trong phần thứ hai dưới nhan đề: “Con đường cách mạng tranh đấu”, văn kiện đã vạch rõ phương hướng đấu tranh cách mạng, nêu rõ những yêu cầu chung và yêu cầu cụ thể của các tầng lớp nhân dân. Chương trình hành động với nội dung chủ yếu đưa ra các mục tiêu đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động, đòi trả tự do cho tất cả tù chính trị, bỏ các thứ thuế bất công vô lý và nêu bật sự cần thiết phải củng cố, phát triển các đoàn thể cách mạng của quần chúng, nhất là Công hội và Nông hội.

Đồng thời Chương trình hành động còn nêu rõ các cấp bộ Đảng phải lãnh đạo quần chúng đấu tranh cho những quyền lợi kinh tế - chính trị thiết thực hàng ngày đối với công nhân, nông dân, viên chức, dân nghèo thành thị, các dân tộc thiểu số... Trên cơ sở những kết quả đạt được, dần dần đưa quần chúng lên những hình thức đấu tranh chính trị cao hơn. Về mặt xây dựng Đảng, Chương trình hành động nhấn mạnh: “Phải xây dựng một đoàn thể bí mật có kỷ luật nghiêm ngặt cứng như sắt, vững như đồng, tức Đảng Cộng sản để hướng đạo quần chúng trên con đường giai cấp chiến đấu”.

Đưa Đảng trở lại vai trò lãnh đạo

Giữa lúc Đảng đang gặp thoái trào, những tư tưởng dao động, cơ hội đang thừa cơ trỗi dậy, Chương trình hành động của Đảng như một luồng gió mới tiếp sức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng giữ được niềm tin vững chắc vào tiền đồ cách mạng, đẩy lùi tư tưởng cầu an, hoang mang dao động, tạo điều kiện cho việc khôi phục nhanh chóng hệ thống tổ chức của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng. Bản Chương trình hành động đã được Lê Hồng Phong dùng làm tài liệu giảng dạy cho các lớp cán bộ ở Quảng Tây (Trung Quốc), đồng thời còn được nhân bản đưa về nước làm tài liệu tuyên truyền giáo dục cho đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân trong nước, do đó nó còn có tác dụng thiết thực to lớn hơn.

Đánh giá về ý nghĩa, giá trị của văn kiện quan trọng này, trong bài viết đăng trên Tạp chí Bôn sê vích, số 10, tháng 2-1935 (bút danh HTC), đồng chí Hà Huy Tập đã khẳng định rằng: “Bản Chương trình hành động tuy ra đời đã 2 năm rưỡi, nhưng những vấn đề chính trị, các khẩu hiệu chung và riêng đã đề xướng ra trong bản Chương trình hành động ấy vẫn còn hiệu lực như trước…”; Chương trình hành động vẫn “là Kim Chỉ Nam cho tất cả cán bộ về đường lý thuyết, tổ chức và thực hành... là tài liệu quan trọng cho toàn Đảng, cho tất thảy quần chúng lao khổ, cho cuộc cách mạng Đông Dương”.

Như vậy, cho đến cuối năm 1933, bằng năng lực, trí tuệ và quyết tâm phi thường, Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế cộng sản giao cho: Xây dựng, khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, các tổ chức Đảng dần dần hoạt động trở lại và ngày càng lớn mạnh, phong trào cách mạng hồi sinh. Giữa lúc đó, các đồng chí Hà Huy Tập (bí danh Xinhítxkin), Nguyễn Văn Dựt (bí danh Svan) được Quốc tế cộng sản phái về bổ sung vào đội ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng, trên cơ sở đó, ý định thành lập Ban chỉ huy ở ngoài được gấp rút chuẩn bị.

Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng công tác chuẩn bị cho việc thành lập Ban chỉ huy ở ngoài vẫn tiến hành hết sức khẩn trương. Cuối cùng, tháng 9-1933, Svan và Nam Sơn cũng đã thuê được một địa điểm ở Ma Cao, đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập và các đồng chí khác thống nhất thời gian vào tháng 3-1934 triệu tập Hội nghị thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng… Đúng kế hoạch, vào khoảng tháng 3-1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. Hội nghị lập ra Ban chỉ huy ở ngoài gồm 3 đồng chí: Lê Hồng Phong giữ chức Thư ký (tức Bí thư), Hà Huy Tập giữ chức Trưởng ban Tuyên truyền, kiêm phụ trách Tạp chí Bôn sê vích là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nguyễn Văn Dựt giữ chức Trưởng ban Kiểm tra.

Sau Hội nghị, ngày 23-6-1934, đồng chí Nguyễn Văn Dựt được cử về Nam Kỳ chỉ đạo thành lập Xứ ủy Nam Kỳ. Trên cơ sở hệ thống tổ chức, cơ sở Đảng được khôi phục và phát triển, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cũng được thành lập ở Nam Kỳ, Ban chỉ huy ở ngoài gấp rút chuẩn bị cho việc tiến tới Đại hội lần thứ nhất của Đảng được triệu tập vào năm sau (1935).

Vậy là chỉ sau một thời gian ngắn nhận nhiệm vụ trở về nước, mặc dù mạng lưới mật thám lùng sục bủa lưới gắt gao, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn kiên trì tìm cách bắt liên lạc được với tổ chức Đảng trong nước, từ đó móc nối cơ sở, đào tạo cán bộ, bổ sung cho đội ngũ cán bộ đã bị bắt, bị giết trong thời kỳ khủng bố trắng, dần dần khôi phục lại hệ thống cơ sở Đảng trong toàn quốc. Không những thế, các tổ chức Đảng hải ngoại như Đảng bộ Việt kiều ở Xiêm, ở Lào cũng được chỉnh đốn củng cố, góp phần đưa phong trào cách mạng trong nước phát triển lên một bước mới.

Đặc biệt, với việc thành lập Ban chỉ huy ở ngoài, mà vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đã có tác động hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước. Trước hết là duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng không một thế lực nào có thể dập tắt được. Song trên hết, với sự hoạt động tích cực của Ban chỉ huy ở ngoài, trong đó phải kể đến những cống hiến to lớn, hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Lê Hồng Phong, đã góp phần quan trọng đưa Đảng ta trở lại vai trò lãnh đạo cách mạng, hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở tới Trung ương đã dần dần được khôi phục, tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của cao trào cách mạng trong cả nước ở giai đoạn sau.

--------------------

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt.

PGS.TS Trần Minh Trưởng,
Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Tin cùng chuyên mục