Xây dựng Luật Hộ tịch theo hướng có lợi cho dân

Sổ hộ tịch: Nhiều trong một
  • “Số hóa” công dân phải thận trọng, có lộ trình
  • Chăm lo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trong phiên họp sáng 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Sổ hộ tịch: Nhiều trong một

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong số những điểm mới quan trọng của dự thảo Luật Hộ tịch có việc lập sổ bộ hộ tịch và cấp sổ hộ tịch cá nhân cho công dân.

Sổ bộ hộ tịch được lập và quản lý tại nơi công dân đăng ký khai sinh, đồng thời cũng là nơi quản lý hộ tịch gốc của công dân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân, các phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch…) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý sổ bộ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi mình cư trú.

Sau khi đăng ký, hộ tịch viên phải thông báo về nơi quản lý hộ tịch gốc (nơi đăng ký khai sinh) để ghi vào sổ bộ hộ tịch, đồng thời tích hợp vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Như vậy, mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân cho dù được đăng ký ở các nơi khác nhau, đều được quy tụ vào nơi lưu giữ sổ bộ hộ tịch. Đây là những tiền đề quan trọng để hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, phục vụ công tác quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội theo hướng hiện đại, bảo đảm thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác sử dụng.

Mặc dù vậy, để tránh gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân, các loại sổ hộ tịch từ trước tới nay hiện đang lưu giữ tại UBND các cấp và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn có giá trị pháp lý và là cơ sở để cấp giấy tờ hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân; các giấy tờ hộ tịch của cá nhân được cấp trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân.

“Số hóa” công dân

Một điểm mới quan trọng khác là xây dựng số định danh công dân. Số định danh dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Tuy nhiên, theo Chính phủ, để tránh gây xáo trộn, sẽ chỉ cấp số định danh cho công dân Việt Nam khi đăng ký khai sinh theo quy định của luật mới.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH và nhiều thành viên UBTVQH phát biểu tại phiên họp đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề cấp số định danh công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc cấp số định danh công dân là cần thiết, giúp xác định, truy nguyên danh tính công dân được nhanh chóng, chính xác, bảo đảm cho việc quản lý hộ tịch, quản lý xã hội được chặt chẽ, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của các cơ quan, các ngành, các cấp.

Ủng hộ định hướng “số hóa” công dân, song Chủ nhiệm UB VHGDTN, TN-NĐ Đào Trọng Thi góp ý: “Nếu chỉ cấp cho những công dân ra đời sau khi luật có hiệu lực thì phải… 100 năm nữa chúng ta mới hoàn thành việc chuyển đổi sang phương thức quản lý mới! Cần có lộ trình chuyển đổi để cấp số cho toàn dân, nếu chưa làm được thì cấp cho những trẻ em dưới 14 tuổi”.

Ông Thi cũng cho rằng, cần ưu tiên hoàn thiện và sử dụng bộ cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, tiến tới cơ quan nào cần thông tin chỉ cần truy cập theo số định danh, không cần yêu cầu người dân trình và cơ quan quản lý tra cứu cả quyển sổ hộ tịch dày.

Tổng hợp các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ trình dự án luật với tinh thần cải cách, đổi mới mạnh mẽ để đơn giản, thuận tiện, công khai minh bạch theo tinh thần cải cách hành chính có lợi cho người dân.

Loại những công trình hiệu quả thấp để trả lại đất cho đồng bào

Sau 10 năm thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đến nay vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002 - 2008). Điều này đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn; vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang tiềm ẩn những bất ổn, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác của cả nước.

Đáng lưu ý, công tác tham mưu, hoạch định chính sách còn bị động, chủ yếu là giải quyết tình thế. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, sơ, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách của các bộ chủ quản và địa phương còn hạn chế. Vì vậy, có những tồn tại, bất cập đã được các địa phương phát hiện, báo cáo, kiến nghị nhưng chậm được nghiên cứu, hướng dẫn khắc phục. Việc giải quyết di cư tự do còn lúng túng và thiếu giải pháp bền vững...

Những đề xuất quan trọng của Chính phủ trong thời gian tới liên quan đến lĩnh vực này bao gồm việc sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 theo hướng áp dụng việc giao đất không thời hạn đối với những loại đất trồng cây lâu năm và có thời hạn đối với những loại cây trồng hàng năm, với thời gian tối thiểu 50 năm và tối đa 70 năm. Đồng thời, cần bổ sung thêm một số điều khoản quy định về hệ thống quản lý và việc sử dụng đất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đồng bào DTTS trong việc sở hữu, sử dụng đất ở, đất sản xuất; các quy định về chính sách hậu tái định cư khi bị thu hồi đất cho đồng bào DTTS và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội ưu tiên ngân sách để bố trí cho các chính sách dân tộc; trong đó có chính sách hỗ về trợ đất ở, đất sản xuất. Về phần mình, Chính phủ sẽ giao cho các bộ ngành và địa phương các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện chính sách pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong giai đoạn tới. Đơn cử, Bộ NN-PTNT được giao rà soát, đánh giá lại các nông, lâm trường thuộc bộ quản lý để phân loại và giao lại đất của các nông lâm trường cho các hộ DTTS không có đất sản xuất và thiếu đất sản xuất; Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính tập trung nguồn vốn để bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS tại các Quyết định 33, Quyết định 1592, Quyết định 74 và các quyết định khác có liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, đảm bảo hoàn thành dứt điểm đến năm 2016... Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra, rà soát lại việc đầu tư các công trình thủy điện, những nơi đang khai thác tài nguyên khoáng sản, cát sỏi, đá vôi, quặng sắt, đồng, nhôm, vàng (kể cả có phép hay không có phép) ở khu vực đầu nguồn các sông suối - nơi đồng bào các DTTS đã định cư lâu đời - nhằm loại bỏ những công trình hiệu quả kinh tế thấp, đình chỉ việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái pháp luật để trả lại đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-12-2012...

  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

"Dù làm cách nào, những quy định của dự án Luật Hộ tịch cần đơn giản, dễ áp dụng, tránh tình trạng “mỗi luật ra là thêm một sổ, mỗi nghị định thêm một giấy”, tránh gây phiền phức trong dân"

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục