Đảm bảo quyền sử dụng đất đối với người nghèo

Ngày 1-2, trao đổi với báo giới về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết: “Sau khi tiếp thu ý kiến Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Dự thảo lấy ý kiến nhân dân lần này bao gồm 14 chương và 206 điều, với 7 nội dung đổi mới cơ bản. Chẳng hạn, đó là quy định rõ ràng, cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. Đặc biệt, các quan hệ đất đai được tăng cường vận hành theo cơ chế thị trường; quy định khung pháp lý về thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Dự thảo luật cũng được thiết kế nhằm thiết lập sự bình đẳng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đảm bảo quyền sử dụng đất cho nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...”.

- PV: Thưa bộ trưởng, những ý kiến người dân đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, thể hiện như thế nào? Những vấn đề có nhiều người góp ý mà không được tiếp thu sẽ được giải trình thế nào?

>> Bộ trưởng NGUYỄN MINH QUANG: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; thảo luận tại hội nghị, hội thảo theo khu vực và theo từng vùng; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ TN-MT, Tổng cục Quản lý đất đai, Trang thông tin điện tử của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau ngày 31-3, trong phạm vi chức trách được giao, bộ sẽ tổng hợp đầy đủ, chính xác ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo luật; báo cáo Chính phủ, UBTVQH và QH. Những vấn đề tiếp thu, tiếp thu đến mức độ nào hay không tiếp thu đều sẽ được giải trình rõ với các cấp nêu trên và công khai rộng rãi để nhân dân được biết.

- Bộ trưởng có nghĩ rằng với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, tình hình khiếu tố về đất đai sẽ giảm?

Không chỉ khiếu nại, tố cáo về đất đai mà việc sửa đổi luật còn hướng đến nhiều mục đích khác như đã nói. Dự thảo luật sửa đổi lần này chủ yếu bổ sung những quy định mới để điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, còn việc sửa đổi cũng có mức độ. Nhưng cũng có thể thấy có rất nhiều quy định đã có mà không được thực hiện nghiêm, gây bức xúc xã hội, chứ không hẳn do chưa có quy định.

- Luật Đất đai 2003 đã cần tới hơn 400 văn bản hướng dẫn thi hành. Có ý kiến cho rằng với nội dung hiện nay, dự thảo luật sửa đổi vẫn sẽ cần tới hàng trăm văn bản hướng dẫn nữa. Lo ngại này có cơ sở không, thưa bộ trưởng?

Nói hơn 400 văn bản là số cộng dồn qua các năm, có văn bản ra đời sau đã thay thế văn bản trước. Trong quá trình soạn thảo lần này chúng tôi xác định phương châm cụ thể hóa nhất có thể, nhưng cũng không thể kỳ vọng tất cả mọi vấn đề đều được giải quyết trong luật hoặc chỉ nhờ có luật!

Anh Thư ghi

Tin cùng chuyên mục