Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trong khó khăn, cần phải nỗ lực và giữ vững niềm tin

Tăng trưởng theo chiều sâu, bảo vệ chủ quyền
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Trong khó khăn, cần phải nỗ lực và giữ vững niềm tin

Năm 2012 Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kinh tế. Những vấn đề về đối ngoại, giải quyết tranh chấp trên biển Đông, cũng như công tác lãnh đạo, điều hành đất nước đã trở thành tâm điểm, được nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi. Nhân dịp Xuân mới Quý Tỵ 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cho phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng cuộc trao đổi về những vấn đề này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi thiếu nhi trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại phường 5, quận 3, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi thiếu nhi trong ngày hội đại đoàn kết dân tộc tại phường 5, quận 3, TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Tăng trưởng theo chiều sâu, bảo vệ chủ quyền

- Phóng viên: Thưa Chủ tịch nước, năm 2012 chúng ta đã chứng kiến hàng loạt sự kiện ngoại giao sôi động cả song phương lẫn đa phương. Xin Chủ tịch nước cho biết kết quả của những hoạt động đó?

>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Năm 2012, chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của Đại hội lần thứ XI của Đảng, trong đó nhấn mạnh một nội dung hết sức mới và quan trọng: Việt Nam không chỉ hội nhập kinh tế mà còn đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, kể cả về chính trị.

Từ chủ trương này, chúng ta phát huy hiệu quả những thành tựu của công tác đối ngoại đã đạt được những năm trước. Mặc dù tình hình kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thông qua chính sách đối ngoại đúng đắn, bạn bè quốc tế tiếp tục tin tưởng, ủng hộ Việt Nam bằng nhiều việc làm cụ thể, góp phần đáng kể giúp Việt Nam giữ ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố, có mặt phát triển.

- Tuy nhiên, vị trí Việt Nam trong bảng xếp hạng của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn, có uy tín của thế giới, đã bị tụt xuống so với những năm trước?

Trong 2 năm qua, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, biểu hiện rõ nhất là lạm phát cao, đầu tư kém hiệu quả... Cả một thời gian dài, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn. Thông thường các nước có trình độ phát triển như chúng ta, để có “một” tăng trưởng thì chi phí vốn là “ba, bốn”, nhưng con số này của chúng ta rất cao, lên đến 5 - 6. Tức là chi phí của chúng ta gấp rưỡi hoặc gấp đôi các nước. Chúng ta đầu tư để đạt được tốc độ tăng trưởng cao là mừng, nhưng chất lượng đầu tư, hiệu quả tăng trưởng như vậy là kém.

Vì vậy, Đại hội XI của Đảng chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, chấn chỉnh lại đầu tư công... Kết quả của chủ trương này đến đâu trong thời gian tới phụ thuộc vào sự nỗ lực đổi mới và khả năng thực hiện của các cấp các ngành, địa phương; đặc biệt là công tác lãnh đạo, quản lý...

- Với những gì đang diễn ra, phải chăng Việt Nam bắt đầu đặt nền móng, chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, thưa Chủ tịch nước?

Đúng như vậy. Trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2011, chúng ta nhìn nhận kinh tế đất nước còn nhiều yếu kém, mà một trong những biểu hiện đó như tôi đã nói ở trên. Nền kinh tế như vậy không thể kéo dài tăng trưởng cao được, nên chúng ta phải tái cấu trúc nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng những năm qua là tăng trưởng chiều rộng; tăng trưởng dựa vào vốn chứ không phải dựa vào năng suất, chất lượng, hay dựa vào công nghệ tiên tiến. Vì thế chúng ta quyết tâm chuyển dần tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng và năng suất lao động, phát triển và làm chủ công nghệ mới...

Khi tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, thời gian đầu phải chấp nhận GDP thấp, nhưng cũng không thể để thấp quá, phải giữ khoảng 5%/năm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chúng ta cần phải tập trung mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế để có những bước phát triển về chiều sâu, chất lượng nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Thưa Chủ tịch nước, hiện nay vấn đề biển Đông đang hết sức phức tạp. Việt Nam chúng ta đã và sẽ ứng xử như thế nào?

Biển Đông là chủ đề mà Việt Nam hết sức quan tâm. Các nước trong ASEAN cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Nhiều nước trên thế giới có quan hệ lợi ích ở biển Đông cũng quan tâm. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định rất rõ lập trường của mình, mọi tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử của khu vực. Giữa Trung Quốc và ASEAN đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc giải quyết vấn đề biển Đông, gọi tắt là DOC. Hai bên cũng đã thỏa thuận việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông, gọi tắt là COC, có tính pháp lý và sự ràng buộc các bên liên quan.

Về chủ trương, tất cả những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình, hữu nghị, không dùng vũ lực. Bản thân Trung Quốc cũng tuyên bố như vậy. Trong thực tế, các bên đều cơ bản ủng hộ các nguyên tắc này. Tuy nhiên, vẫn có những sự va chạm nhất định trên biển Đông mà chúng ta đã chứng kiến trong những năm qua. Mọi sự va chạm, khi giải quyết, đều phải tuân thủ các nguyên tắc đã nêu trên. Cộng đồng quốc tế cũng thừa nhận và ủng hộ.

"Mọi lợi ích của Việt Nam trên biển Đông được luật pháp quốc tế thừa nhận và bảo vệ. Chúng ta cần phải dựa vào luật pháp quốc tế, lấy đó làm cơ sở và sức mạnh để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia của mình. Trên biển Đông hiện nay không chỉ có Việt Nam, nhiều nước ASEAN và các đối tác của ASEAN cũng có quyền lợi trực tiếp ở đây. Đó là một trong những điểm tựa của chúng ta.

Chúng ta còn có sức mạnh của chính nghĩa và những cơ sở lịch sử để làm nền tảng vững chắc. Cũng như bất kỳ một quốc gia nào, chúng ta còn phải thường xuyên củng cố trên tất cả các tiềm lực và sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự, kiên quyết giữ vững chủ quyền quốc gia đi đôi với đảm bảo hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây là 2 nhiệm vụ chiến lược kết hợp chặt chẽ với nhau, không thể tách rời"

Món nợ lớn đối với nhân dân

- Thưa Chủ tịch nước, sau các hội nghị Trung ương hết sức quan trọng và hơn một năm công tác ở vị trí hiện nay, Chủ tịch nước có thể thấy được những hạn chế trong công tác lãnh đạo?

Như tôi đã nói, hai năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, đất nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, nổi bật nhất là những khó khăn về kinh tế - xã hội. Điều đó nói lên trình độ lãnh đạo, quản lý của bộ máy lãnh đạo, trong đó có cá nhân tôi, vẫn còn nhiều yếu kém. Những điều này đã được chỉ rất rõ, khi chúng tôi tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng vừa qua. Tập thể và mỗi cá nhân chúng tôi đều đã vạch ra chương trình hành động để khắc phục, sửa chữa những hạn chế, yếu kém đó. Hy vọng rằng, với việc tự sửa chữa và rèn luyện của mỗi cá nhân cũng như tập thể, công tác lãnh đạo, quản lý thời gian tới sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần khắc phục, giải quyết được những khó khăn của đất nước hiện nay.

- Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về sự tin tưởng của nhân dân đối với chế độ hiện nay?

Tôi nghĩ rằng, mặc dù Đảng và Nhà nước ta có những khuyết điểm, yếu kém, nhưng nhìn chung nhân dân vẫn tin tưởng và kỳ vọng vào Đảng, vào chế độ chúng ta hiện nay, kể cả lúc khó khăn nhất nhân dân vẫn tin tưởng vào Đảng. Nói như vậy không phải để rồi những cán bộ của Đảng, của dân lại tiếp tục lạm dụng lòng tin của nhân dân, mà để thấy rằng Đảng, Nhà nước đang mắc nợ nhân dân nhiều lắm. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước đang bị xói mòn vì tham nhũng, lãng phí, thói vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Những người cầm cân nảy mực như chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Đây là sự nhắc nhở rất lớn đến trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm càng lớn. Bên cạnh những quy định của Đảng, luật pháp của Nhà nước ngày càng phải nghiêm minh, lúc này đòi hỏi phải đề cao tính tự giác của mỗi người. Mỗi khi tiếp xúc với các thành phần nhân dân, nhiều bà con vẫn độ lượng động viên mình cố gắng, thấy chạnh lòng, xấu hổ lắm, vì chưa làm được nhiều cho dân, cho nước.

Tôi xin nhắc lại, đất nước vẫn chưa phát triển được như mức có thể và như nguyện vọng của nhân dân, những người đã đi theo Đảng suốt 80 năm qua, trách nhiệm lớn đó thuộc về Đảng, Nhà nước. 

Tôi mong đồng chí, đồng bào hãy tiếp tục tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, luôn quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước vững mạnh như yêu cầu của nhân dân. Sự khoan dung, độ lượng của nhân dân là sự nhắc nhở sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của chúng tôi đối với nhân dân, với nước, với Đảng, với tương lai của đất nước. Chúng tôi quyết không thể nào lơ là, xem nhẹ, nhất là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn hiện nay.

Lần đầu tiên Việt Nam có tuyến đường trên cao dài 15 km dành riêng cho ô tô chạy với tốc độ đến 100 km/giờ. Đường cao tốc này góp phần làm giảm ùn tắc trên các tuyến Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng (Hà Nội). Ảnh: M.Trạng

Lần đầu tiên Việt Nam có tuyến đường trên cao dài 15 km dành riêng cho ô tô chạy với tốc độ đến 100 km/giờ. Đường cao tốc này góp phần làm giảm ùn tắc trên các tuyến Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng (Hà Nội). Ảnh: M.Trạng

- Thời gian qua, đã có nhiều người dân bày tỏ những vấn đề tâm huyết thông qua việc viết thư trực tiếp cho Chủ tịch nước. Chủ tịch nước thấy gì qua những bức thư đó?

Hàng ngày tôi nhận được rất nhiều thư, trên tất cả các lĩnh vực. Từ những chuyện rất cụ thể của cuộc sống hàng ngày đến những chuyện lớn của đất nước đều có thư góp ý, rất phong phú và đa dạng. Tất cả những ý tưởng đó, cho dù không phải nội dung nào cũng đúng, nhưng đều rất đáng trân trọng, bởi nó cho thấy cái tâm và tiếng nói của nhân dân. Có những bức thư đọc xong khiến mình phải thổn thức xúc động. Có những thư làm mình thấy thanh thản, tin tưởng hơn, thôi thúc hơn. Có những thư mà nội dung của nó có thể tác động đến chính sách. Nhưng cũng có những bức thư làm mình day dứt lắm bởi thiếu xây dựng và ẩn trong đó là nhiều động cơ không đúng, tuy vậy, vẫn cần thiết, vì nó cho mình thấy bức tranh sinh động của hiện thực...

Tôi muốn nhấn mạnh, những “dòng chảy” ấy thực sự hữu ích. Kinh nghiệm cá nhân cho tôi thấy, khi ai đó gửi thư hay tâm sự với mình, có nghĩa mình vẫn còn là “chỗ” tâm giao, đáng sợ nhất là chẳng còn ai muốn nói gì với mình nữa. Tôi chắc đây cũng không phải là kinh nghiệm của riêng tôi... Nhân đây, cho tôi gửi đến những ai gửi thư cho tôi lời cảm ơn chân thành và lời đề nghị chia sẻ trong trường hợp vì quá bận hoặc vì những lý do bất khả kháng, không ngoại trừ những lý do về quan điểm cá nhân, tôi chưa thể hồi đáp. Tôi biết ơn mọi sự chia sẻ của đồng chí, đồng bào... 

- Sau hơn một năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, những bức xúc nào của nhân dân để lại cho Chủ tịch nước băn khoăn, trăn trở nhiều nhất?

Bức xúc thì rất nhiều, những chuyện nóng bỏng hàng ngày thì chúng ta vẫn thường nghe. Ví dụ như đến doanh nghiệp, anh em kêu ca thiếu vốn; gặp người lao động, thì bức xúc vì thiếu việc làm, thu nhập thấp; rồi ở những vùng tập trung công nhân thì lại thiếu nhà trẻ, trường học... Đó là những chuyện rất sát sườn, liên quan đến kinh tế, dân sinh và đều cần giải quyết sớm. Nếu tái cơ cấu kinh tế nhanh, thực sự hiệu quả, sẽ đem lại cho kinh tế phát triển ổn định, thu nhập người dân tăng lên, phúc lợi xã hội đảm bảo... Ngay từ năm 2013 này, phải tập trung giải quyết vấn đề phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Nhân dân cũng đang bức xúc và trông đợi việc xử lý tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong đời sống xã hội và bộ máy nhà nước. Cần phải tạo ra chuyển biến rõ rệt, nhân dân thừa nhận kết quả, để yên tâm và tin tưởng vào Đảng, vào chế độ. Đối với những vụ việc nổi cộm đã được dư luận đề cập, ai cũng biết thì phải cương quyết làm rõ, xử lý.

Với vấn đề đối ngoại, đó là giải quyết hợp lý, hiệu quả và hòa bình vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển đảo để người dân, các doanh nghiệp trong, ngoài nước hoạt động trên vùng biển Việt Nam cũng yên tâm làm ăn..., tức là vừa bảo vệ chủ quyền, vừa phải giữ vững môi trường hòa bình. Làm tốt những điều này sẽ tạo ra một xung lực mới để ổn định và phát triển đất nước.  

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!

"Hiện nay chúng ta đã bước sang năm thứ 3 thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế theo đúng tinh thần của Đại hội Đảng XI đã đề ra. Năm 2013, có thể còn khó khăn nhưng phải tập trung tháo gỡ để kinh tế phát triển khá hơn. Tôi mong đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu, góp phần thực hiện thành công công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều tôi tha thiết muốn nhắn gửi mọi người hãy thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ: đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!"

Trần Lưu thực hiện

Tin cùng chuyên mục