Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Giữ vững bản chất, phát huy truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân”

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mãi mãi là những trang hào hùng, sáng ngời trong lịch sử dân tộc. Hình ảnh chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ trên nóc hầm tướng Đơ Cát-xtri và hình ảnh chiếc xe tăng dũng mãnh húc đổ cổng dinh Độc lập sẽ tồn tại mãi trong lịch sử đất nước.

1- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mãi mãi là những trang hào hùng, sáng ngời trong lịch sử dân tộc. Hình ảnh chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ trên nóc hầm tướng Đơ Cát-xtri và hình ảnh chiếc xe tăng dũng mãnh húc đổ cổng dinh Độc lập sẽ tồn tại mãi trong lịch sử đất nước.

Để có được những thắng lợi vẻ vang đó, biết bao chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để đem lại thắng lợi của cả dân tộc. Cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết muôn người như một, cùng vùng lên, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ tạo thành sức mạnh vô địch làm nên chiến thắng. Trong sức mạnh vô địch đó, có sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đội quân được Đảng và Bác Hồ sáng lập, dẫn dắt. Đó là đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống quân sự của dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, gần 70 năm qua, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quân đội đã cùng toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trường kỳ kháng chiến, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Quân đội tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng những khu kinh tế - quốc phòng, những công trình có ý nghĩa chiến lược của đất nước; tích cực vận động và giúp dân xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính trị và đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Quân đội là lực lượng đi đầu trong công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có thảm họa da cam ở Việt Nam.

Lịch sử chứng tỏ Quân đội Nhân dân Việt Nam là bộ phận trọng yếu, có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị; là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, tất cả những sự hy sinh vì dân, vì nước và những chiến công hiển hách nói trên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng với truyền thống tốt đẹp kể trên của các chiến sĩ quân đội, đó chính là bản chất chính trị của quân đội ta. Bản chất ấy là biểu hiện của ý chí, tinh thần và giá trị của cả dân tộc.

2- Thời gian gần đây, trong khi góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có ý kiến cho rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam không phải do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Tuy nhiên lịch sử rõ ràng không thể phủ nhận là Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam là nguồn gốc, là yếu tố quyết định hàng đầu của sự trưởng thành và chiến thắng vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Theo chỉ thị mới của đoàn thể (đoàn thể ở đây là Đảng), sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. Ngày 22-12-1944, trong lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề… Theo chỉ thị của đoàn thể, tôi xin tuyên bố: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu”. Như vậy là đã rõ.

Cùng với đó, một số ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có đề cập tới việc “phi chính trị hóa quân đội”. Thực chất ý kiến này là mưu đồ nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, làm cho Đảng mất vị trí đảng cầm quyền. Ý kiến muốn “phi chính trị hóa quân đội” cũng có thể bắt nguồn từ kinh nghiệm có những nước có một số đảng thay nhau cầm quyền. Vì vậy, ý kiến “phi chính trị hóa quân đội” thực chất là ý đồ nhằm thay đổi chính thể ở nước ta, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Do đó, chúng ta cần phải tỉnh táo nhìn nhận rằng, trong suốt quá trình lịch sử và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đảng phải lãnh đạo quân đội và quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân là một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, liên quan đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc và nhân dân chẳng những là biểu hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp mà còn là thước đo tính kiên định chính trị, ý chí chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trung với Đảng, hiếu với dân là đặc trưng phẩm chất chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sự lãnh đạo của Đảng và sự trung thành của quân đội là sự thống nhất biện chứng, tạo nên sức mạnh quân đội, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một Quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Vì vậy, việc hiến định Quân đội Nhân dân Việt Nam phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc và nhân dân là điều cần thiết và xác đáng.

3- Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đặt ra nhiều vấn đề về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân. Bảo vệ Tổ quốc ngày nay không chỉ có vấn đề sẵn sàng chống quân xâm lược mà còn phải bảo vệ sự độc lập về chính trị, kinh tế và văn hóa, chống lại mọi hình thức áp đặt của bên ngoài; không chỉ bảo vệ chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn bảo vệ quyền lựa chọn thể chế chính trị và con đường phát triển đất nước.

Do đó, quân đội phải được tổ chức, trang bị phù hợp với tình hình mới, phải nâng cao hơn nữa khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng Tổ quốc, phục vụ nhân dân lao động, sản xuất. Tuy nhiên, bất kể trong hoàn cảnh nào, chỉ có giữ vững bản chất chính trị, phát huy truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân”, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội thì quân đội mới có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ và chiến thắng mọi kẻ thù.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tin cùng chuyên mục