Bác Hồ ở Thái Lan

Bác Hồ ở Thái Lan

Nhân ngày giỗ lần thứ 47 của Hòa thượng Thích Bình Lương (20-4-1966, nhằm ngày 30-3 ÂL), Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, Tổ đình Vĩnh Nghiêm và Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan TPHCM đã tổ chức lễ tưởng niệm ông, một nhà sư yêu nước đã có công nuôi giấu, che chở Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở Thái Lan những năm 1929 - 1930. Tại lễ tưởng niệm, những câu chuyện và tư liệu quý về thời kỳ hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở Thái Lan được bà con Việt kiều, thân nhân Hòa thượng Bình Lương kể lại - phần nào nói rõ thêm lý do tại sao Bác tới Thái Lan vào thời điểm trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và địa danh nào mà Bác đặt chân đến đầu tiên ở Thái Lan.

Chùa Từ Tế ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, năm 1929 Bác Hồ đã giả đi tu tại ngôi chùa này để hoạt động cách mạng.

Chùa Từ Tế ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, năm 1929 Bác Hồ đã giả đi tu tại ngôi chùa này để hoạt động cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Phương, nguyên là Việt kiều sinh sống ở Thái Lan, hiện cư ngụ tại đường Phạm Văn Hai, phường 5 (quận Tân Bình) - là cháu đời thứ ba của Hòa thượng Bình Lương còn lưu giữ khá nhiều tài liệu, hình ảnh về Hòa thượng Bình Lương và Bác Hồ những năm hoạt động cách mạng tại Thái Lan. Bà Phương kể: “Chùa Từ Tế (gọi theo tiếng Thái là Vát Locanukno) ở xã Chặc-ca Văn, huyện Xẳm-phăn Tha-vông, thủ đô Bangkok, Thái Lan là nơi mà hơn nửa thế kỷ trước Hòa thượng Bình Lương, còn gọi là Sư Ba, trụ trì. Sư Ba tên thế tục là Phạm Ngọc Đạt, sinh năm 1882 ở xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) trong một gia đình nông dân giàu lòng yêu nước. Ông từng tham gia phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng và khi cuộc khởi nghĩa này thất bại, ông sang Lào rồi sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) năm 1914. Với lòng yêu nước nồng nàn, Hòa thượng Bình Lương tiếp tục tham gia phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Năm 1928, khi hay tin Nguyễn Ái Quốc sang Thái Lan hoạt động, Hòa thượng Bình Lương tìm cách liên lạc. Ngôi chùa Từ Tế được chọn là nơi hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc với những người Việt Nam yêu nước tại Thái Lan. Cũng vào thời điểm này, Hòa thượng Bình Lương được Bác Hồ giao nhiệm vụ tổ chức tập hợp bà con kiều bào ở Thái Lan và đỡ đầu tờ báo Nhân Ái nhằm kêu gọi đoàn kết trong các tổ chức Việt kiều yêu nước chống Pháp. Sự hỗ trợ của Hòa thượng Bình Lương dành cho các phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các tư liệu, hình ảnh hoạt động của Người được bà con kiều bào tập hợp, ghi chép lại và lưu giữ qua nhiều thế hệ, hiện đã được phản ánh trong một số tài liệu ở Thái Lan cũng như ở Việt Nam…”.

Như vậy, chùa Từ Tế có thể được coi là nơi Bác Hồ đặt chân đến đầu tiên và hoạt động cách mạng ở Thái Lan những năm 1928-1929. Điều này đúng như những tài liệu ghi chép của bà con Việt kiều sinh sống ở Thái Lan về nước sau này đều khẳng định, Sư Ba và chùa Từ Tế trở thành chỗ dựa vững chắc cho hoạt động cách mạng của Việt kiều ở Thái Lan, đồng thời là nơi nuôi giấu, che chở cho hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số nhà lãnh đạo cách mạng khác như: Ung Văn Khiêm, Hoàng Quốc Việt…hoạt động bí mật trên đất Thái Lan.

Việc Bác Hồ có mặt ở chùa Từ Tế đã được tác giả Trần Dân Tiên ghi lại trong quyển Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch do NXB Sự Thật in năm 1975, tại trang 71 có đoạn viết: … Gặp nguy hiểm quá, bị theo dõi riết, ông Nguyễn đã lánh nạn vào một ngôi chùa, tạm cắt tóc đi tu để tiếp tục hoạt động… Ngôi chùa Việt mà Nguyễn Ái Quốc cạo đầu giả làm sư sau này được xác định chính là chùa Từ Tế qua bức ảnh Bác mặc áo cà sa vàng được Hội Việt kiều Thái Lan ở Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tặng cho Hội Việt kiều Hà Nội năm 1970. Một tài liệu khác, tại khu lưu niệm về Bác Hồ ở Uđon Thani (Thái Lan) cũng có treo bức ảnh Bác Hồ trong trang phục áo cà sa tương tự. Sự việc trên cũng được khẳng định trong quyển sách Président Ho Chi Minh của tác giả Vinay Khum Uđôm (Thái Lan). Trang 53 sách này có đoạn viết: Để che mắt cảnh sát và mật thám Pháp, ông Hồ Chí Minh đã dùng áo cà sa làm vật che thân bằng cách đi tu trong một ngôi chùa người Việt ở thủ đô Bangkok.

Theo ông Trương Hoàng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan TPHCM, trong nhiều tài liệu mà bà con kiều bào cung cấp, Hòa thượng Bình Lương là người từng nuôi giấu Bác Hồ. Thông tin này được ông Ngô Vĩnh Bảo, một cán bộ ngoại giao đã về hưu, từng có hơn 40 năm tìm hiểu thông tin, tài liệu về Bác Hồ ở Thái Lan thì thời gian Bác ở chùa Từ Tế, Hòa thượng Bình Lương đang trụ trì tại đó và hòa thượng chính là người đã che chở Bác suốt thời gian từ tháng 7 đến tháng 11-1929. Trong nhiều tài liệu viết về Hồ Chí Minh của Thái Lan có nhiều đoạn nhắc về nhà sư yêu nước này.

Tháng 3-1964, Hòa thượng Bình Lương bị bệnh nặng. Thể theo nguyện vọng của hòa thượng được về nước để sống những ngày cuối đời và được gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã thông qua Hội Hồng thập tự có sự thỏa thuận của Hội Hồng thập tự Thái Lan, đã tổ chức một chuyến bay đặc biệt sang Bangkok đưa Hòa thượng Bình Lương về Hà Nội. Bệnh viện Việt - Xô cũng cử hai bác sĩ theo chuyến bay này đón hòa thượng về nước. Cũng từ đó Bác Hồ nhiều lần vào Bệnh viện Việt - Xô thăm nhà sư. Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ bức thư Hòa thượng Bình Lương gửi Bác Hồ tỏ lòng ý tiếc khi Bác vào thăm, hòa thượng mê man không nói chuyện với Bác được. Ngày 20-4-1966, Hòa thượng Bình Lương viên tịch, hưởng thọ 84 tuổi. Tang lễ hòa thượng được tổ chức trọng thể tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Hồ Chủ tịch đến đặt vòng hoa kính viếng hòa thượng. Vòng hoa của Bác ghi dòng chữ: Kính viếng Hòa thượng Bình Lương tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước - đồng chí Hồ Chí Minh.

HOÀI NAM


Trên 500.000 lượt người viếng thăm quê Bác

(SGGP).- Giám đốc Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) Nguyễn Bá Hòe vừa cho biết, tại khu di tích đã, đang và sẽ diễn ra nhiều hoạt động, thi đua sôi nổi chào mừng 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Được biết từ đầu năm đến nay khu di tích này đã thu hút trên 500.000 lượt người đến viếng thăm.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục