Nối tiếp yêu thương

Nối tiếp yêu thương

Rời gia đình, xa đất liền, nhiều người con từ các tỉnh, thành trong cả nước ra Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ở nơi xa xôi ấy, mỗi chuyến tàu đến thăm đảo mang lại niềm vui, nguồn động viên cho người lính. Tham gia trong đoàn đại biểu TPHCM đi thăm cán bộ - chiến sĩ, nhân dân đang bảo vệ quần đảo Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam Tổ quốc DK1 mới đây, chúng tôi cảm nhận rõ rệt điều ấy.

Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/9 tiễn đoàn đại biểu TPHCM.

Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/9 tiễn đoàn đại biểu TPHCM.

1. Tháng 1-2013, thiếu úy Trần Đình Vũ (23 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) ra nhận nhiệm vụ tại đảo Đá Đông. Dù cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động, rèn luyện trên đảo có nhiều niềm vui; dù khi rảnh rỗi có thể gọi điện thoại về nhà trò chuyện vẫn không thể làm Vũ và đồng đội nguôi nỗi nhớ gia đình, bè bạn. Do vậy, mỗi lần biết tin có đoàn đến thăm, các cán bộ - chiến sĩ trên đảo đều chộn rộn mong đợi.

“Với chúng tôi, những chuyến thăm mang ý nghĩa tinh thần rất lớn vì đoàn đã mang tình cảm và hơi ấm từ đất liền, giúp chúng tôi cảm nhận khoảng cách với đất liền được rút ngắn lại. Khi tàu về bờ, chúng tôi cũng gửi ngược niềm tin vào đất liền, mong người dân cả nước yên tâm, đã có chúng tôi ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - thiếu úy Vũ tâm sự.

2. “Chị ơi, tàu đi đến đâu rồi? Chị có bị say sóng không?”, “Được đón tiếp đoàn là bọn em thấy vui và hạnh phúc rồi. Vì đoàn ra mang theo hơi ấm đất liền mà”. “Thật sự bộ đội Trường Sa cũng còn thiếu thốn nhưng được sự quan tâm của cả nước nên cũng vơi đi phần nào chị à”. “Từ nay về sau tàu ra Trường Sa nhiều, chị có thể đăng ký ra theo đoàn, ở lại cùng ăn cùng ở, cùng sinh hoạt với bộ đội cho biết và hiểu bộ đội hơn”. “Chị ơi, đã ăn cơm chưa? Chị vẫn khỏe chứ?”...

Từ khi rời đảo An Bang, chúng tôi thường nhận những tin nhắn đầy tình cảm như thế từ thiếu úy Hoàng Quân Vũ (31 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh). Đang là y sĩ, làm việc tại Bệnh viện Quân y 268, TP Huế, Vũ tình nguyện ra Trường Sa công tác từ tháng 1-2012 và hiện là một trong 3 y sĩ trên đảo. Những chiều đứng trước biển, những phiên gác đêm, Vũ hay nhớ về gia đình, về bạn gái; nhưng rồi Vũ gác lại tình cảm riêng tư để làm tròn nhiệm vụ. Ước mong của Vũ là sau khi về đất liền sẽ được học chuyên tu lên bác sĩ... Những tin nhắn, những cuộc điện thoại trò chuyện qua lại giúp chúng tôi trở nên thân thiết, có cảm giác gắn bó hơn. Tàu rời đảo nhưng tấm lòng vẫn ở lại cùng chiến sĩ Trường Sa.

3. Sau buổi làm việc tại hội trường đảo Trường Sa Đông, biết trung úy Trần Anh Trúc (35 tuổi, trước khi ra đảo công tác là bác sĩ Khoa Ngoại Quân y viện 7A - TPHCM) nhà ở huyện Bình Chánh, Chủ tịch UBMTTQ huyện Bình Chánh Nguyễn Thị Kim Dung đã đến tận nơi trò chuyện cùng anh. Bà Dung ghi lại tất cả thông tin về gia đình anh Trúc (địa chỉ nhà, số điện thoại, họ tên cha mẹ), cả nỗi lòng của anh về chuyện vợ chồng chưa có điều kiện sống gần nhau do vợ đang công tác tại BHXH tỉnh Tây Ninh và sinh sống cùng con và bên ngoại tại đây.

Về lại địa phương, bà Dung báo cáo trường hợp của anh Trúc lên Thường trực Huyện ủy Bình Chánh, sau đó trao đổi với Giám đốc BHXH huyện Bình Chánh. Phương án giải quyết được đưa ra: nếu vợ anh Trúc có nhu cầu chuyển công tác và cơ quan vợ anh đồng ý cho chuyển thì BHXH huyện Bình Chánh sẽ xem xét tiếp nhận. Bên cạnh đó, đối với 13 trường hợp thanh niên của huyện Bình Chánh đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại các đảo và các nhà giàn DK1, huyện Bình Chánh đã tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà, kể cho gia đình nghe về cuộc sống của các em để gia đình thêm yên tâm. “Khi đó, gia đình sẽ là nguồn động viên để các em hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Dung chia sẻ.

Những chuyến tàu vẫn thường xuyên đến thăm các đảo, mang theo tình cảm từ đất liền ra đảo và mang quyết tâm giữ gìn chủ quyền từ đảo gửi về đất liền. Tại cầu tàu ở các đảo, tại bậc thang trước lúc bước xuống xuồng ở hai nhà giàn DK1, người về - người ở cứ lưu luyến, bịn rịn, chụp hình kỷ niệm cùng nhau không muốn rời xa. Dẫu biết lời hẹn sẽ lại ra thăm đảo, thăm nhà giàn DK1 chưa chắc thực hiện được, nhưng chúng tôi vẫn hẹn, như một sự mong chờ cho ngày gặp lại, như một mục tiêu mà mình phải cố gắng đạt được.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục