Quyền cơ bản của trẻ em là phải được cấp giấy khai sinh

(SGGPO). - Sáng nay (28-10), Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hộ tịch.

(SGGPO). - Sáng nay (28-10), Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hộ tịch.

Thảo luận về dự án Luật Hộ tịch, đa số các ĐB đều tán đồng với phương án tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh thay vì phương án bỏ việc cấp giấy khai sinh (thay vào đó cấp thẻ căn cước công dân).  Các ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam), Điều Huỳnh Sang (Bình Phước), đều cho rằng, quyền được khai sinh là quyền của trẻ em, con người và được Nhà nước bảo vệ và phù hợp với các công ước quốc tế Việt Nam đã tham gia. Việc đăng ký và cấp giấy khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận việc ra đời của một con người thông qua những thông tin cơ bản của trẻ em được ghi trên đó. Giấy khai sinh cũng có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.
 
Theo các ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Điều Huỳnh Sang, với việc cấp giấy khai sinh thì việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là không cần thiết, gây tốn kém như quy định tại dự án Luật Căn cước công dân. Lập luận cho quan điểm này, ĐB Điều Huỳnh Sang, cho rằng, trẻ em dưới 14 tuổi có sự thay đổi nhanh chóng về thể chất, nhân dạng và thẻ căn cước cũng không có giá trị trong các giao dịch. Trong khi, nếu cấp thẻ căn cước cho lứa tuổi dưới 14 thì sẽ phải cấp cho khoảng 21 triệu trẻ em trong khi lại chỉ có tác dụng… cất giữ là không hợp lý, gây tốn kém.

Trước đó, các ĐB đã nghe tờ trình và dự án Luật ban hành văn bản pháp luật. Theo dự luật, chỉ thị của UBND các cấp không phải là văn bản pháp luật; không quy định về văn bản liên tịch để phù hợp với nguyên tắc phân công rành mạch nhiệm vụ giữa các cơ quan nhà nước; không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước… Bên cạnh đó, dự luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, ĐB Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh trong việc phối hợp chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hoặc ban hành văn bản pháp luật trái Hiến pháp và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Thẩm tra về dự án luật, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan phải có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản, đồng thời tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Do vậy, cơ quan này luật tán thành với quy định thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và giám sát, phản biện xã hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi cần hết sức cân nhắc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức lấy ý kiến đối với tất cả các dự thảo văn bản pháp luật; việc này sẽ gây khó khăn cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật là khác nhau, phụ thuộc vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh của các dự án khác nhau.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với việc không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, vì thực tế những năm gần đây nhu cầu ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã là không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cơ quan cấp trên.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục