Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân

Sáng nay, 18-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc tại Trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước ở Hà Nội.

(SGGPO).– Sáng nay, 18-4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc tại Trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước ở Hà Nội.

Đơn thư khiếu kiện của dân vẫn đi lòng vòng

Báo cáo về kết quả công tác tiếp công dân, công tác phối kết hợp trong tổ chức tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước quý I-2014 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, quý 1 trụ sở tiếp dân TƯ đã tiếp 5.180 lượt người (tại Hà Nội: 4.304 lượt, thành phố Hồ Chí Minh: 876 lượt), trong đó khiếu nại 774 việc, tố cáo 269 việc, kiến nghị 40 việc, phản ánh 19 việc, khác 117 việc. Có 132 lượt đoàn đông người (tại Hà Nội: 107 lượt, thành phố Hồ Chí Minh: 25 lượt). Như vậy, so với quý I – 2013, tình hình khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân tại Trụ sở tiếp dân TƯ tăng 76,13% về số lượt người, tăng 23,36% về số đoàn đông và giảm 29,07% về số vụ việc. Có 52/63 địa phương xuất hiện đoàn đông người đến Trụ sở tiếp dân TƯ. Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư đã đề xuất với lãnh đạo TTCP chuyển 85 vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền cho các Cục, Vụ để kiểm tra, rà soát lại theo địa bàn, lĩnh vực được phân công.

Đặc biệt vào thứ 5 hàng tuần có Ban nội chính TƯ tham gia tiếp dân thì số người đến KNTC càng tăng, có ngày lên tới 300 người. Có nhiều vụ KNTC chống đối chính quyền một cách quyết liệt, có nhiều vụ KNTC cực đoan. Có hình thức khiếu nại mới: tập trung đông người ở đường quốc lộ, khiếu nại liên quan đến tôn giáo..

Những nguyên nhân chủ yếu của tình hình KNTC được chỉ ra, là do cơ chế chính sách vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở (78-80% số vụ KNTC liên quan đến vấn đề đất đai). Các cuộc KNTC gay gắt hơn một phần do họ không được tham gia vào các dự án ngay từ đầu, lợi ích của người dân không được coi trọng . Trong quá trình giải quyết KNTC, nhiều địa phương còn xem nhẹ, né tránh trong việc tổ chức đối thoại với công dân. Trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ dẫn tới vi phạm chế độ, chính sách, pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức. Ngoài ra, trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện đúng các quy định; hướng dẫn, chuyển đơn của công dân đến không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, dẫn đến việc đơn thư của công dân bị chuyển “lòng vòng” gây khó khăn cho các cơ quan giải quyết và bức xúc cho công dân. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết KNTC chưa được quan tâm đúng mức, khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý chưa nghiêm và thiếu công khai.

TTCP cũng cho rằng, việc trao đổi thông tin, phối hợp trong việc tiếp, đón công dân giữa Trụ sở tiếp dân TƯ với Trụ sở Tiếp công dân của các bộ, ngành, địa phương chưa thành hệ thống, thống nhất. Một số địa phương chưa thực sự phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và giải quyết KNTC nên khi phát sinh, giải quyết KNTC các cấp, các ngành thiếu sự đồng thuận trong việc tiếp, hướng dẫn, vận động, giải thích công dân chấp hành các quy định của pháp luật. Đặc biệt, còn có nguyên nhân từ sự xúi giục, kích động của các phần tử cơ hội chính trị, phản động lợi dụng việc khiếu nại của công dân để bôi nhọ, chống phá Nhà nước ta. Một số vụ việc KNTC được đăng tải trên phương tiện thông tin còn mang tính một chiều, thiếu khách quan làm cho vụ việc thêm phức tạp…

Tiếp dân còn đùn đẩy, né tránh

Từ thực tế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Luật tiếp công dân có hiệu lực từ 1-7-2014, khi luật này đi vào cuộc sống yêu cầu công tác tiếp dân, giải quyết KNTC phải chuyển biến thực sự, phải giảm được số vụ, số người KNTC. “Công tác tiếp dân, giải quyết KNTC vừa qua của các cơ quan chức năng đã có nhiều kết quả, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong những dịp đất nước có sự kiện lớn. Tuy nhiên, cần lưu ý đến việc số đoàn, số người đến KNTC ở trụ sở tiếp dân của TƯ tăng lên. Nhiều địa phương chưa làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC, đó là điều phải nhìn nhận”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng một lần nữa yêu cầu cán bộ tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân. “Tiếp công dân là khâu quan trọng liên quan đến những vấn đề của công dân: tâm tư, nguyện vọng về chính sách, đầu mối thông tin về tiêu cực, tham nhũng.. Cán bộ tiếp dân phải tận tụy, có trách nhiệm với trách nhiệm được giao; có năng lực hiểu biết pháp luật để nắm sự việc. Phải biết dân vận, chia sẻ, trọng dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Trụ sở tiếp dân không phải là nơi nhận đơn thư mà phải là nơi tiếp dân đúng nghĩa: lắng nghe, đối thoại, tiếp nhận, hướng dẫn dân, đôn đốc kiểm tra kết quả giải quyết KNTC của dân, đề xuất chính sách, giải quyết bất cập. “Phải gắn mình, hãy đặt mình vào vị trí của người khiếu kiện để làm tốt nhiệm vụ tiếp dân, KNTC”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, hiện nay công tác tiếp dân chưa hết trách nhiệm, chưa công khai, minh bạch, còn đùn đẩy, né tránh. “Phần lớn nội dung KNTC phải được giải quyết ở cấp tỉnh, đừng để dân phải đi lên trên. Ông cha nói rằng nói phải củ cải cũng nghe, nếu đối thoại, giải quyết tốt cho dân thì dân không phải vác đơn đi khắp nơi. Tới đây phải triển khai thi hành Luật tiếp công dân một cách đồng bộ, sẽ có chế tài xử lý những người thiếu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng chốt lại.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục