Bản lĩnh phá án

“Cất lưới” trong 2 ngày
Bản lĩnh phá án

Kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Công an Nhân dân (19-8-1945 - 19-8-2014)

Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ giả danh cơ quan pháp luật để lừa tiền. Sau khi gọi điện thoại hù dọa người bị hại rằng đang bị điều tra do có liên quan đến vụ án rửa tiền, vụ án mua bán ma túy, những đối tượng này yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định để giám định xem có phải là tiền có nguồn gốc phạm tội hay không rồi chiếm đoạt. Từ đơn tố cáo mù mờ chân dung kẻ lừa đảo, các cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TPHCM lên đường phá án.

Bản lĩnh phá án ảnh 1

Các đối tượng trong một đường dây lừa đảo tại cơ quan công an.

“Cất lưới” trong 2 ngày

Lừa được người bị hại chuyển tiền vào tài khoản, nhóm tội phạm nhanh chóng thao tác chuyển số tiền qua nhiều tài khoản khác nhau bằng Internet Banking (dịch vụ chuyển tiền qua mạng), sử dụng các thẻ ghi nợ quốc tế rút tiền tại các trụ máy ATM trong và ngoài nước để chiếm đoạt. Do vậy, yêu cầu đặt ra là bằng mọi cách phải phá án trong vòng 2 ngày, nếu trễ hơn thì sẽ mất dấu đối tượng khi bọn chúng phát hiện tài khoản đã bị cơ quan công an yêu cầu ngân hàng phong tỏa.

Từ công tác rà soát, truy xét và sự phối hợp thông tin của cảnh sát Đài Loan, Phòng PC46 - Công an TPHCM xác định những đường dây tội phạm đều do người ở lãnh thổ Đài Loan cầm đầu, cấu kết với đối tượng trong nước để thực hiện lừa đảo. Hầu hết những đối tượng người Đài Loan đều có tiền án, tiền sự về các hành vi nổ súng nơi công cộng, cướp tài sản, hoạt động mại dâm, có đối tượng đang trốn quyết định truy nã của cảnh sát Đài Loan.

Trong khi đó, những người Việt Nam tham gia các đường dây lừa đảo đa số dân trí thấp, đã được huấn luyện kỹ về cách báo cho nhau khi bị động. Sáng sớm, chỉ cần một cuộc điện thoại hỏi chuyện bâng quơ nhưng cũng đủ thông tin rằng “chim” vẫn đang “bay”, còn nếu không thấy liên lạc thì tự lo tìm đường lẩn trốn. Thế nên các trinh sát, điều tra viên của Đội 5, Đội 8 Phòng PC46 chọn thời điểm tiếp cận bất ngờ - thường là vào thời điểm ban đêm hoặc ngày cuối tuần - để tránh “bứt dây động rừng”.

Để có được vật chứng, chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra, các CB-CS phải chia nhau đeo bám đối tượng. Có lần, vì muốn nắm được đường đi nước bước, phương thức giao nhận thẻ ATM của đối tượng đang trú trong một khách sạn ở quận Tân Bình, điều tra viên N. và điều tra viên Â. theo vào thuê phòng và chịu cảnh quản lý khách sạn “ve vãn” vì nhầm tưởng cùng hệ đồng tính nam.

Khi một người quen tình cờ đi ngang khách sạn, điều tra viên N. vờ đưa tay lên miệng làm ám hiệu không nhận nhau. Lúc ấy chỉ cần một câu chào: “A, anh N.” là lộ thân phận ngay. Hoặc có những lúc đối tượng vào quán, các CB-CS ngồi canh bên ngoài, bụng đói cồn cào cũng không dám rời vị trí, bởi chỉ một chút sơ sẩy thì công sức đeo bám đổ sông đổ bể...

Với những chứng cứ, tài liệu đã được củng cố, các điều tra viên, trinh sát “cất lưới”, bắt khẩn cấp hơn 50 đối tượng. Những trường hợp này đều được viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can sau đó, cho thấy việc phá án của các CB-CS Phòng PC46 không những nhanh mà còn chắc.

Tang vật thu giữ trong một đường dây lừa đảo.

“Xin khai vì các anh tốt quá!”

Truy bắt được các đối tượng phạm tội đã khó, đấu tranh để những đối tượng này chịu khai báo còn vất vả hơn. Các đối tượng người Đài Loan đã từng va chạm với pháp luật nên rất kinh nghiệm trong vấn đề khai báo và hướng dẫn kỹ những người Việt Nam cách đối phó khi bị bắt giữ. Vì thế, tại cơ quan điều tra, ban đầu những đối tượng này đều quanh co chối tội, “ngụy trang” cho hành vi của mình bằng lý do tương đối hợp lý, chỉ khai đến một mức độ nhất định, còn lại sẵn sàng chịu tội thay cho đồng bọn.

 

* Tổng cộng các nhóm đối tượng lừa đảo đã lừa trót lọt 104 người bị hại trên địa bàn TPHCM với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM ra quyết định khởi tố 11 vụ án hình sự, ra quyết định khởi tố 55 bị can (trong đó có 13 bị can người Đài Loan, 42 bị can người Việt Nam), phong tỏa tài khoản thu hồi gần 5,9 tỷ đồng trả cho người bị hại; thu giữ 70 điện thoại di động, 41 điện thoại bàn, 1 thiết bị tổng đài, 1 máy quét chuyển thông tin tài khoản, 209 giấy CMND giả, 369 thẻ tài khoản, 5.500 Đài tệ, 1.550USD, 800 triệu đồng Việt Nam…

 

Trước sự ngoan cố này, các điều tra viên sử dụng biện pháp vừa giải thích vừa khuyên răn, cương - nhu hợp lý để tạo sự chuyển biến tâm lý. Dù các đối tượng tham gia lừa đảo nhiều người bị hại với số tiền rất lớn, người dân thành phố rất bức xúc nhưng trong quá trình điều tra, các CB-CS Đội 8 Phòng PC46 vẫn dùng tình người đối xử với bọn tội phạm, vì các anh hiểu phần lớn gia nhập đường dây do quá nghèo. Đến bữa, các CB-CS chưa vội ăn, để cho các bị can ăn trước.

Những buổi mời đối tượng, bị can được cho tại ngoại lên lấy lời khai, thấy trường hợp nào khó khăn, CB-CS còn cảm hóa bằng cách lấy tiền của mình cho làm lộ phí đi về. Chính vì vậy, sau vài ngày, có những bị can khuyên đồng bọn “nên khai nhận đi, các anh công an ở thành phố rất tốt”.

Như Hồ Nhật Khánh (người cung cấp thẻ ATM cho đường dây của Wu Tung I - bị can cũng bị bắt trong cùng vụ án, để làm công cụ chuyển tiền và rút tiền) tại cơ quan điều tra ban đầu “vẽ” thêm người khác nhằm chạy tội. Sau đó, Khánh mới khai sự thật vì “mấy ngày qua, thấy các anh đối xử với em rất tốt, em xin khai”. Hay Phan Nguyễn Huy Vũ (trong đường dây do Lee, Jung - Teng làm đầu mối ở Việt Nam) khi vừa bị bắt nhất định không khai địa chỉ nhà. Về sau Vũ mới khai, giúp cơ quan điều tra thu được cả va li CMND giả để mở tài khoản và nhiều thẻ ngân hàng, củng cố hồ sơ và đấu tranh với những đối tượng khác trong đường dây.

“Chúng tôi cố gắng phá án nhanh để vừa thu hồi một phần tài sản cho người bị hại vừa chặt đứt một “vòi” lừa đảo từ Đài Loan vào Việt Nam, đồng thời thông qua báo chí tuyên truyền để người dân tăng cường cảnh giác. Mỗi lần “cất lưới” một đường dây xong, anh em thấy nhẹ lòng, bao vất vả như được bù đắp”, Trung tá Nguyễn Thành Nhân (Đội trưởng Đội 8 Phòng PC46 - Công an TPHCM) bộc bạch.

Giờ đây, trên địa bàn TPHCM hầu như không còn người bị hại của loại án này đến trình báo. Triệt phá những đường dây lừa đảo qua điện thoại là việc không dễ nhưng với bản lĩnh phá án, các CB-CS của Phòng PC46 - Công an TPHCM đã thành công.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục