Ngày 29-9: Chất vấn tại UBTVQH về các vấn đề liên quan đến đất đai, chính sách tiền tệ, ngân hàng

(SGGPO).- Ngày 29-9, tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 31 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ cùng chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai thành viên Chính phủ là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

(SGGPO).- Ngày 29-9, tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 31 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ cùng chủ trì phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với hai thành viên Chính phủ là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.
 
Phiên chất vấn đối với ông Nguyễn Minh Quang dự kiến diễn ra vào buổi sáng, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành. Các câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xoay quanh các nội dung: việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
 
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình về các nội dung: việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua; kết quả xử lý nợ xấu; việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2014 và kế hoạch năm 2015. Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và đầu tư tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Toàn bộ phiên họp này được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên VTV1,VOV1 và kết nối đến các đoàn đại biểu Quốc hội trên cả nước.

 Lãi suất hiện nay là rất hợp lý?

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu vừa khép lại ngày 28-9, ngay trước phiên chất vấn đối với Thống đốc Nguyễn Văn Bình, vấn đề chính sách tiền tệ và xử lý nợ xấu là một trong những chủ đề chính được nhiều diễn giả quan tâm phân tích, bình luận. Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đã đăng đàn với những luận điểm tranh biện đáng lưu ý.

Liên quan đến điều hành lãi suất – được một số ý kiến coi là vẫn quá cao, khiến dùng tín dụng bị “kẹt”, không thể tiếp sức cho nền kinh tế, Phó Thống đốc cho biết, ở thời điểm cuối 2011, lãi suất lên tới trên 20%/năm và lạm phát rất cao. Bài toán đặt ra là vừa phải giảm lãi suất, vừa phải kiềm chế được lạm phát. Nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước đã có kết quả: mặt bằng lãi suất cho vay mới hiện nay so với cuối 2011 chỉ còn bằng 40% và trở về tương đương mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006.

Theo Phó Thống đốcNguyễn Thị Hồng, kỳ vọng lạm phát của cả năm 2014 khoảng 5%, trần lãi suất huy động trên 6 tháng còn có 6%, còn cho vay thì lãi suất trung dài hạn mới 10 đến 13%, cho vay ngắn hạn và 5 lĩnh vực ưu tiên thì trần hiện là 8%, có dự án chỉ có 5%, là mức rất hợp lý và tạo ổn định cho thị trường, không còn hiện tượng dùng lãi suất để cạnh tranh lôi kéo dẫn đến khó khăn về thanh khoản như cuối năm 2011.
 
Mặt khác, cần lưu ý rằng lãi suất giảm cũng chưa chắc đã khơi thông được dòng tín dụng, vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, chứ không hoàn toàn do lãi suất cao.

Về nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã có bước tiến mới trong phân loại và đánh giá nợ xấu chặt chẽ hơn. Trong một năm vừa qua, VAMC mua khoảng 74 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có những khoản bán được, có khoản cơ cấu lại cho khách hàng. Trong điều kiện ngân sách không có đồng nào cho xử lý nợ xấu, VAMC không có “tiền tươi thóc thật” nên cần phải có thời gian. Về khả năng vay tiền nước ngoài để xử lý nợ xấu, tuy không phủ định, nhưng bà Hồng lưu ý, trong điều kiện nợ công đang cao thì tính khả thi của giải pháp này không cao.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục