Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới

Theo nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 27-11, Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, kiểm soát cho được trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương, cơ quan, đơn vị...
Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới

(SGGPO).- Theo nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 27-11, Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật, kiểm soát cho được trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương, cơ quan, đơn vị...

Trong năm 2017, triển khai vận hành cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, công tác tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, nhất là xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng tiêu dùng. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý triệt để vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất hàng hóa, nhất là thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp; hoàn thành việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp.

Về an toàn thực phẩm, đến năm 2020, về cơ bản, việc kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực môi trường, năm 2016 sẽ khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; tiến hành xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác trong danh mục đã được rà soát, thống kê và phê duyệt để đến năm 2020 tiến độ xử lý ô nhiễm hoàn thành theo đúng thời gian đề ra; cương quyết không để xảy ra cơ sở gây ô nhiễm môi trường mới.

Bảo đảm hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tại tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới trước khi đi vào hoạt động; tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Bảo đảm môi trường dòng sông, nguồn nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt. Hoàn thành và triển khai vận hành phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu các khu vực đã cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc; hoàn thành phê duyệt quy hoạch khoáng sản, khu vực khoáng sản; chấn chỉnh hoạt động cấp phép, chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ và ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác khoáng sản trái pháp luật.

Một nội dung quan trọng khác trong Nghị quyết là bảo đảm đất ở, đất sản xuất cho đồng bào khu vực tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi và di dời ra khỏi nơi thường xuyên bị thiên tai; hoàn thành trồng bù diện tích rừng các dự án thủy điện, thủy lợi vào năm 2016. Tập trung giải quyết cơ bản tình hình di cư tự do đến các vùng miền núi và trung du. Tăng cường công tác xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng, địa phương, quy hoạch chung xây dựng các đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch...

Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới

Đặc biêt, về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Quốc hội chính thức bế mạc kỳ họp thứ 10

Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, chiều 27-11, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10 với nhiều quyết định quan trọng.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Quốc hội vui mừng nhận thấy, năm 2015 tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội”.

Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết, đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới.

Trong mảng công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác; trong đó có nhiều đạo luật có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà như Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố dụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân, Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi)…

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng với những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm 2016-2020; thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử. Đồng thời, Quốc hội cũng đã bầu Tổng thư ký Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thông qua nghị quyết về công tác tư pháp và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục