Trình IPU thông qua nghị quyết về tài nguyên nước và chiến tranh mạng

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, tài chính và thương mại đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết “Định hình: Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước”. Dự thảo nghị quyết này do hai đồng báo cáo viên là nghị sĩ I.Cassis của Thụy Sĩ và nghị sĩ J.Mwiimbu của Zambia đệ trình.

(SGGP).- Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Ủy ban thường trực về Phát triển bền vững, tài chính và thương mại đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết “Định hình: Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước”. Dự thảo nghị quyết này do hai đồng báo cáo viên là nghị sĩ I.Cassis của Thụy Sĩ và nghị sĩ J.Mwiimbu của Zambia đệ trình.

Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt đoàn Việt Nam đã đưa ra các kiến nghị quan trọng. Đó là kêu gọi các nước có chung nguồn nước tăng cường hợp tác trong các vấn đề liên quan đến nguồn nước quốc tế và nghiêm túc xem xét việc tham gia các khuôn khổ pháp lý quốc tế về hợp tác nước xuyên biên giới. Đồng thời, Việt Nam cho rằng, cần khuyến khích các nghị viện hối thúc các chính phủ tôn trọng những cam kết đã đưa ra trong việc bảo vệ các nguồn nước sạch, thực thi các công ước khu vực và quốc tế, các thỏa thuận về sử dụng hiệu quả, thích hợp nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác vì mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam kêu gọi các quốc gia, nhất là quốc gia phát triển, thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ các nước đang phát triển trong nỗ lực quản trị nước, bao gồm lập kế hoạch, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước hướng tới phát triển bền vững.

Chiều 31-3, Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh của Liên minh nghị viện thế giới cũng đã nhất trí thông qua dự thảo cuối cùng Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”.

Dự thảo cuối cùng ghi nhận những đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ thông tin cho nhân loại, song cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những hoạt động gây mất an toàn không gian mạng và những nguy cơ có thể bùng nổ chiến tranh mạng. Dự thảo kêu gọi mỗi Quốc hội nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý của nước mình, một mặt để đảm bảo phát triển công nghệ thông tin và quyền tiếp cận của người dân đối với những tiến bộ này, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng.

Trong bản dự thảo cuối cùng này, đoàn Việt Nam đã đóng góp 8 ý kiến, hầu như toàn bộ ý kiến của Việt Nam đóng góp đã được ghi nhận trong dự thảo cuối cùng của Nghị quyết “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”. Ông Vũ Xuân Hồng, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, các ý kiến của Việt Nam đã được nhiều nước bạn đồng tình. “Đặc biệt là ý kiến của chúng ta về việc đề nghị Liên minh Nghị viện Thế giới kiến nghị với Liên hiệp quốc mở một hội nghị quốc tế về vấn đề không gian mạng, an toàn mạng và chiến tranh mạng và có thể tiến tới có một hiệp ước hoặc công ước toàn thế giới để đảm bảo không gian mạng phát triển lành mạnh, ngăn chặn chiến tranh mạng. Nếu nghị quyết được thông qua vào ngày 1-4 thì đây sẽ là đóng góp rất quan trọng của Việt Nam tại hội nghị lần này”, đại biểu Vũ Xuân Hồng nhận định.

Cũng tại cuộc họp này, Ủy ban Hòa bình và an ninh thế giới của IPU đã đưa ra 2 gợi ý chủ đề cho các kỳ họp tới. Đó là chủ đề chống ma túy và tội phạm ma túy do Mexico, Thụy Điển đồng bảo trợ và chủ đề về chống khủng bố do Ấn Độ bảo trợ.

ANH PHƯƠNG

>> IPU - 132: Cần sửa đổi nội dung luật an ninh quốc tế

Tin cùng chuyên mục