In, tải các văn bản pháp luật tại… nhà

In, tải các văn bản pháp luật tại… nhà ảnh 1

Từ trước đến nay, người có nhu cầu muốn tìm kiếm văn bản quy phạm pháp luật, nếu không đăng ký sử dụng phần mềm Thư viện pháp luật và chịu đóng phí hàng tháng, thì phải đến các tòa soạn báo SGGP, Pháp Luật TPHCM… để xin sao y.

Nhưng muốn sao y cũng phải biết văn bản nào, của cấp nào, thời gian ra văn bản,… nếu không đủ những thông tin ấy thì kể như “mù”. Để tạo thuận lợi cho công dân truy cập văn bản pháp luật, Sở Tư pháp TPHCM lập đề án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu chuẩn hóa hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND từ năm 1975 đến nay” và đã trình UBND TP. Theo bà Ngô Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM (ảnh) – khi đề án được đưa vào sử dụng, “người dân có thể ngồi ở nhà mà vẫn in, tải được các văn bản pháp luật”.

- PV: Xin bà cho biết việc công khai và lưu trữ văn bản pháp luật tại TPHCM hiện nay?

Bà NGÔ MINH HỒNG: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của TP được công khai từ 2 nguồn: in trên Tập quy định do Sở Tư pháp phát hành từ năm 1977 đến tháng 5-2006; đưa lên mạng diện rộng  của Chính phủ và website của TP văn bản từ năm 2000 đến nay. Báo SGGP và báo Pháp Luật TPHCM cũng có cung cấp cho bạn đọc nhưng chỉ vài ngày nhất định trong tuần. Các văn bản được in trên Tập quy định không đầy đủ, chưa được phổ biến rộng rãi mà phải đặt mua mới có, chủ yếu là phục vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước, quận huyện, phường xã.

Văn bản trên mạng diện rộng của Chính phủ và website TP cũng chỉ lưu các văn bản từ năm 2000 trở về sau. Nguồn tập trung duy nhất hiện có là Trung tâm lưu trữ TP, nhưng khi có nhu cầu, người cần phải đến đăng ký, đóng phí. Nếu người yêu cầu không biết tên văn bản, số, ngày ra văn bản thì Trung tâm lưu trữ cũng không cung cấp được. Như vậy, trung tâm cũng chỉ phục vụ cho những người biết rõ văn bản, còn những người muốn tìm hiểu nhưng không nắm được các thông số của văn bản thì…  đành bó tay. Thêm nữa, văn bản pháp luật trước năm 2000 lưu tại đây là văn bản giấy, chỉ có thể cung cấp cho người dân bản photocopy…

- Từ năm 1975 đến nay, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND TP ban hành đã lạc hậu, không còn hiệu lực. Việc rà soát, bãi bỏ, hệ thống hóa… đã làm được đến đâu?

Cho đến nay, chúng tôi đã tiến hành rà soát tổng thể, rà soát hàng năm và rà soát theo chuyên đề phục vụ cải cách hành chính, hội nhập quốc tế… Từ kết quả khảo sát đó, UBND TP đã ra quyết định bãi bỏ 1.437 văn bản và công bố 100 văn bản hết hiệu lực. Công tác rà soát văn bản của TP dù đã thực hiện nhiều lần nhưng thiếu đồng bộ, kết quả chưa được tổng hợp, xử lý và cập nhật đầy đủ.

In, tải các văn bản pháp luật tại… nhà ảnh 2

Người dân hiện vẫn phải xếp hàng chờ xin văn bản pháp luật tại Báo Pháp luật TPHCM khi có nhu cầu. Ảnh: M.Hg

- Theo đề án, sau khi rà soát, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật từ năm 1975 đến nay còn hiệu lực sẽ được đăng tải trên trang web của TP. Với khối lượng lớn các văn bản, lại gồm nhiều loại, mục, nội dung: cả văn bản thay thế, văn bản làm căn cứ, văn bản hướng dẫn thi hành… Liệu một người dân bình thường có thể truy cập và tìm kiếm trên trang web mới này một cách dễ dàng?

Công khai văn bản, xác định chính xác hiệu lực của văn bản và giúp người có nhu cầu tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng là mục tiêu lớn nhất mà những người thực hiện đề án hướng tới. Trang web sẽ giúp tìm kiếm văn bản pháp luật theo lĩnh vực, tên loại, thời gian, hiệu lực…

Người tìm có thể tìm được một danh mục các văn bản có liên quan sau khi gõ từ khóa và lựa chọn trong số đó văn bản mình cần. Cách này giúp người không biết chính xác số, tên văn bản và ngày ban hành vẫn có thể tìm được, phần nào giống như cách tìm kiếm trên google. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi chỉ có thể phục vụ tìm kiếm dựa trên những từ khóa cơ bản ở một số lĩnh vực nhất định như: thuế, đất đai v.v…

Ngoài ra, khi click vào một văn bản, trang web sẽ chỉ ra những đường dẫn đi tới các văn bản làm căn cứ, văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản thay thế… giúp người dân hiểu cặn kẽ, thấu đáo nội dung. Nói chung, chúng tôi cố gắng làm sao cho trang web mang tính thân thiện, tiện lợi cho người sử dụng.

- Như vậy, khi được triển khai, mọi người, dù ở bất kỳ nơi nào đều có thể vào mạng tìm kiếm thông tin văn bản pháp luật của TP?

Khi dự án được triển khai, mọi người dân đều có thể tiếp cận văn bản pháp luật của TP nhanh chóng, đơn giản, đầy đủ, chính xác và dễ dàng, có thể in, tải bất cứ văn bản nào họ muốn ngay tại nơi làm việc, dịch vụ internet hay chính nhà mình mà không phải đóng tiền. Pháp luật được đưa đến gần người dân nhất. Điều này giúp pháp luật được công khai minh bạch, phổ biến rộng rãi, tạo điều kiện cho người dân tự giác chấp hành, đồng thời có thể đóng góp ý kiến vào việc xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của TP.

- Được biết, Sở Tư pháp đang trình TP phê duyệt đề án. Vậy phải mất bao lâu nữa, người dân mới có thể thụ hưởng lợi ích từ đề án này?

Trung tâm Lưu trữ TP đang nhập dữ liệu thô. Sau khi được phê duyệt, chúng tôi sẽ lựa chọn phần mềm tốt nhất: có thể tự thiết kế, có thể mua lại phần mềm của cơ quan trung ương. Sau đó, cần một thời gian để gắn dữ liệu, cố gắng trong 6 tháng có thể vận hành và đưa vào sử dụng, trước mắt là phải công khai được những văn bản pháp luật hiện hành.

- Xin cám ơn bà!

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục