Xuất khẩu dệt may: nỗi buồn quán quân - Bài 1: Có tiếng, chưa có miếng!

Sản xuất FOB: nhà nhập khẩu chỉ định nguyên phụ liệu
Xuất khẩu dệt may: nỗi buồn quán quân - Bài 1: Có tiếng, chưa có miếng!

Sau nhiều năm tăng trưởng xuất khẩu (XK) bình quân 30%/năm, năm 2008 hàng may mặc Việt Nam (VN) chính thức lọt vào top 10 nước XK dệt may hàng đầu thế giới. Cùng với đó, kim ngạch XK hàng dệt may đã từng bước vượt qua nhiều ngành hàng khác để trở thành quán quân trong các ngành hàng XK của VN. Tuy nhiên, sự tăng trưởng hàng tỷ USD mỗi năm cũng chỉ là con số “hữu danh vô thực” vì thực tế, xuất nhiều mà nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất cũng rất cao.

May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

May hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất FOB: nhà nhập khẩu chỉ định nguyên phụ liệu

Sản xuất hàng FOB (mua đứt, bán đoạn) đã là niềm khao khát và là mục tiêu lớn của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may (DM) VN vì có làm hàng FOB thì mới thấy được giá trị gia tăng; sau phép cộng trừ giữa xuất và nhập để có được con số dư nhiều hơn. Đó là cái “hữu thực” mà ngành DM luôn hướng đến. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, 70% đơn hàng dệt may sản xuất tại VN vẫn là hàng gia công, 30% đơn hàng còn lại sản xuất trên danh nghĩa hàng FOB.

Và thực chất, hàng FOB mà các DN DM đang làm cũng chỉ là một hình thức gia công cấp cao hơn. Để làm hàng FOB, nhà sản xuất phải chủ động làm tất cả từ khâu thiết kế mẫu mã, chọn nguyên phụ liệu (NPL), chào hàng đến nhà nhập khẩu (NNK), sản xuất, giao hàng. Trong khi đó, sản xuất FOB mà các DN VN đang làm = gia công + thêm một khoản tiền trách nhiệm. Đây là phép tính, những chia sẻ thật tình của nhiều DN lớn làm hàng FOB tại TPHCM.

Việc tăng tỷ lệ làm hàng FOB của DN trong thời gian gần đây, không hẳn do năng lực cũng như sự chủ động chuyển cơ cấu sản xuất của DN VN mà đây là cách làm mới của các NNK nhằm giảm trách nhiệm cũng như chi phí. Nếu làm hàng gia công, NNK phải chịu tất cả mọi khâu trong sản xuất và tốn chi phí thuê chuyên gia để giám sát.

Trong quá trình sản xuất, nếu thiếu chút vải, hột nút, hư hao thì NNK cũng phải lo mua và gởi cho DN gia công. Khi chuyển qua làm FOB, NNK sẽ chuyển trách nhiệm lo toan việc thiếu hụt NPL cho nhà sản xuất, cắt giảm bớt chi phí thuê chuyên gia giám sát. Bù vào đó, nhà sản xuất có thêm mức lời cao hơn so với mức gia công trên sản phẩm. Đó là tình trạng chung của việc sản xuất hàng FOB tại VN hiện nay.

Thực tế, có rất ít DN có thể thương thảo để có thể chủ động tự tìm mua nguồn NPL để sản xuất vì việc này sẽ giúp DN có thêm nguồn lợi nhuận. Hiện tại, phần lớn đơn hàng sản xuất FOB, nguồn NPL sản xuất đều do NNK chỉ định. Điều này cũng có nghĩa rằng, NNK chắc chắn biết được giá bán NPL sát nhất để đưa ra giá mua sát nút với DN VN khi đàm phán và cũng có thể NNK hưởng phần trăm lợi nhuận từ nhà cung cấp NPL khi chỉ định mua hàng, hoặc NNK là công ty mẹ, công ty thành viên với nhà cung cấp NPL.

Tại TPHCM hiện nay, chính mối quan hệ “dây mơ, rễ má” giữa các công ty mẹ ở nước ngoài – công ty con ở VN đã dẫn đến các trường hợp gian lận thương mại, trốn thuế. Cục Thuế TPHCM đã phát hiện nhiều DN dệt may FDI báo cáo lỗ, có dấu hiệu trốn thuế. Việc chuẩn hóa các số liệu xuất - nhập khẩu giữa đầu vào và đầu ra giữa các công ty mẹ - con là kẽ hở tạo điều kiện để các DN FDI báo lỗ, trốn thuế. Trong hơn 2.000 DN dệt may tại VN, DN FDI chiếm khoảng 40%.

Thiếu hụt lao động: áp lực cho ngành dệt may

DN DM VN đã tạo uy tín, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới, vượt qua nhiều đối thủ mạnh như Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia…để thu hút đơn hàng, NNK. Điều này đã minh chứng rõ trong năm 2009. Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, hầu hết các nước XK dệt may đều giảm sút tại các thị trường thì hàng dệt may VN vẫn đảm bảo XK, vẫn có tăng trưởng chút ít (khoảng 1%) trong năm 2009. Khối lượng hàng XK vẫn tăng so với năm 2008 nhưng do đơn giá trung bình giảm 10%-15% nên tổng kim ngạch XK giảm.

Những dây chuyền dệt hiện đại sẽ cho sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm điện. Ảnh: CAO THĂNG

Những dây chuyền dệt hiện đại sẽ cho sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm điện. Ảnh: CAO THĂNG

VN đang có nhiều thuận lợi trong thu hút NNK cũng như đón đầu sự dịch chuyển sản xuất dệt may từ các nước trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, đi ngược lại với tăng trưởng XK nhích lên từng năm thì lực lượng lao động của ngành dệt may lại đang giảm sút nghiêm trọng. Việc thiếu lao động hiện nay đang là một áp lực lớn đối với ngành có thâm dụng lao động như dệt may.

Dệt may đã từng là ngành “thời thượng”, nhà nhà ở TPHCM mở xưởng may. Tỷ lệ DN tư nhân nhỏ và vừa ra rất nhiều. Các công ty, nhà máy ở các khu chế xuất, khu công nghiệp TP lớn đã trở thành miền đất hứa cho lao động các tỉnh đổ về. Nhưng nay, ngành may đã không còn hấp dẫn. DN tư nhân rơi rụng. Nhiều DN cho biết con cái họ đã thẳng thừng từ chối tiếp quản nghề của cha mẹ, nghề của gia đình để lại.

Hiện nay, còn lại nhiều công ty lớn, tách ra từ các công ty nhà nước. Những công ty này được lợi thế là có sẵn về mặt bằng, nhà xưởng. Một DN xuất khẩu lớn tại TPHCM có 90% đơn hàng XK đi nước ngoài, trong đó tỷ lệ làm hàng FOB chiếm đến 70%, có lợi nhuận sau thuế hàng chục tỷ đồng, lương trả cho người lao động thuộc hàng cao, trung bình khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Nhưng lợi nhuận thực từ hoạt động sản xuất dệt may mang lại chỉ khoảng 40%. 60% còn lại từ các hoạt động kinh doanh khác. Ví dụ trên cho thấy, chính việc “có tiếng, chưa có miếng” đã và đang tạo ra áp lực lớn cho ngành dệt may.

Trong khi đó, dù đang có những thuận lợi về đơn hàng, nhưng DN VN vẫn khó có được giá bán dễ thở vì sự đeo bám sát nút của NNK. Các DN dệt may cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, chi phí, giá cả đầu vào tăng cao, NNK chịu tăng giá chút ít, nhưng bấy nhiêu không đủ để DN tăng lương, hỗ trợ mức sống cho người lao động. Vì hiện nay, DN đang chịu nhiều gánh nặng trong chi phí đầu vào. Để níu kéo, giữ lao động ở lại bằng việc tăng lương thì DN không đủ sức.

Bài 2: Phát triển nguyên phụ liệu: Lối ra nào?

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục