Đến tháng 8, Việt Nam sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải” đầu tiên

Bộ NN-PTNT vừa tổ chức lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.

IMG_8676.jpeg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì lễ ra mắt Văn phòng Ban chỉ đạo Đề án 1 triệu héc-ta lúa giảm phát thải. Ảnh: MINH PHÚC

Tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Đề án này sẽ hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

Theo ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo đề án, ngày 20-3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký quyết định thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo đề án. Văn phòng Ban Chỉ đạo đề án đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị triển khai đề án tại Kiên Giang.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay Ban Chỉ đạo đề án đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao và nếu không có gì thay đổi thì đến tháng 8-2024, chúng ta sẽ có sản phẩm lúa giảm phát thải do Cục Trồng trọt công bố tiêu chuẩn cơ sở.

Tuy nhiên, để có đủ cơ sở pháp lý công nhận sản phẩm lúa phát thải thấp, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị và địa phương ở ĐBSCL triển khai 5 mô hình điểm (ít nhất 250ha) chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, triển khai liên tục trong 3 vụ: hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025-2026.

Đầu tháng 5-2024, Bộ NN-PTNT sẽ họp với các tỉnh ở ĐBSCL và các đơn vị, tổ chức liên quan để thảo luận, xây dựng cơ sở pháp lý về chi trả tiền giảm phát thải và làm việc với Ngân hàng Thế giới để thống nhất về cơ chế, mức chi trả để trình Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục