Tăng lực cạnh tranh nền kinh tế: tháo gỡ 3 “nút thắt”

Tăng lực cạnh tranh nền kinh tế: tháo gỡ 3 “nút thắt”

Kinh tế Việt Nam đủ sức cạnh tranh với thế giới nếu giải quyết tốt 3 nút cổ chai đang tồn tại hiện nay là: thể chế ở cấp địa phương, kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Đó là vấn đề được các chuyên gia kinh tế nêu ra tại Diễn đàn chính sách kinh tế - xã hội 2007, được tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội.

Tăng lực cạnh tranh nền kinh tế: tháo gỡ 3 “nút thắt” ảnh 1

Lao động chất lượng cao đang thiếu trầm trọng. (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM). Ảnh: Đức Thành

Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển theo hướng tích cực, đồng đều ở tất cả các khu vực và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Điểm nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, không có dao động lớn. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2001-2005) là 7,5%/năm. Theo dự kiến năm 2007, GDP sẽ đạt 8,5%. TS Lê Việt Đức, Phó vụ trưởng Vụ tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ KH-ĐT) nhận định, quá trình tăng trưởng kinh tế ở nước ta “có tính chất cơ cấu chứ không phải là tình thế, nên nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, trừ khi môi trường phát triển có những biến động đặc biệt”.

Nhiều ý kiến khác cho rằng kinh tế nước ta thu được những kết quả tích cực là từ sự chuyển dịch nguồn vốn đầu tư. Tỷ trọng vốn thuộc khu vực kinh tế nhà nước đã giảm mạnh từ 59,1% năm 2000 xuống còn 46,4% năm 2006. Dự kiến năm 2007, tỷ trọng vốn thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 16,7%. Bên cạnh đó, một số yếu tố như nguồn lao động, tiêu dùng hay xuất khẩu cũng đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng, tạo sức cạnh tranh cho Việt Nam.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng sau gần một năm gia nhập WTO, Việt Nam chưa tạo ra sự đột phá, thành tựu chưa xứng với kỳ vọng. Đặc biệt, hầu hết các vấn đề như tổ chức bộ máy, môi trường pháp lý, phát triển nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, thị trường... vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu. TS Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) khẳng định: để cạnh tranh được với thị trường khốc liệt của thế giới, Việt Nam cần phải giải quyết tốt 3 “nút cổ chai” đang tồn tại hiện nay là: thể chế ở cấp địa phương; kết cấu hạ tầng yếu kém; và đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.

Những nút thắt này là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển chưa ổn định về kinh tế vĩ mô -thể hiện ở hệ thống giám sát và môi trường kinh doanh không theo kịp sự phát triển. Nó cũng dẫn tới rủi ro về mặt xã hội như vấn đề chia đất và chia tài sản trong doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa. TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cũng thừa nhận nguồn nhân lực Việt Nam đang rất dồi dào nhưng lại “thiếu trầm trọng lao động có chất lượng cao”.

Điều này là hạn chế đối với Việt Nam trong việc chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế sang các lĩnh vực có năng suất và hàm lượng chất xám cao. Trong khi đó, năng lực quản lý và phân cấp tại các địa phương đều đang gặp nhiều vướng mắc. Hầu hết các địa phương còn lúng túng từ nhận thức đến triển khai chương trình hay gắn kết các hoạt động quản lý của mình. Việc nhiều địa phương gặp khó khăn khi tiếp nhận dòng vốn FDI lên đến 50 tỷ USD là một ví dụ khá điển hình.

Một vấn đề khác được các chuyên gia quan tâm là nhập siêu. Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2007, Việt Nam đã nhập siêu 7,6 tỷ USD, bằng 21,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo dự báo, kim ngạch nhập khẩu năm nay sẽ đạt khoảng 57 tỷ USD, tăng tới 27% so với năm 2006. Bộ KH-ĐT nhận định, với mức tăng trưởng này, nhập siêu cả năm 2007 có thể lên đến 9 tỷ USD -mức kỷ lục từ trước đến nay.

Nhập khẩu có tốc độ tăng cao hơn xuất khẩu được cho là do làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam tăng nhanh. Thực tế nhập khẩu đang tăng khá nhanh ở các mặt hàng như máy móc, thiết bị, hóa chất, gỗ và nguyên liệu gỗ... Việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập là một biện pháp nhằm tăng nhập khẩu để hỗ trợ cân đối cung - cầu, làm giảm áp lực lạm phát... nhưng cũng có tác động trực tiếp đến việc gia tăng nhập siêu.

Nguyên Quân

Tin cùng chuyên mục