Giao dịch không công bố thông tin: Không thể là chuyện… không biết

Cần xem lại nguồn nhân lực các CTCK
Giao dịch không công bố thông tin: Không thể là chuyện… không biết

Gần đây, hàng loạt giao dịch của cổ đông nội bộ không công bố thông tin đã bị xử phạt, thay vì cảnh cáo, giải trình như trước đó. Tuy nhiên, có vẻ như các hành vi vi phạm về việc này ngày càng nhiều hơn. Liệu có phải các cổ đông nội bộ biết nhưng vẫn cố tình vi phạm, bất chấp bị xử phạt?

Phạt nhiều, vẫn không giảm

Giao dịch không công bố thông tin: Không thể là chuyện… không biết ảnh 1

Giao dịch không công bố thông tin, các NĐT nhỏ sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Ảnh: C..Th

Hàng loạt cổ đông nội bộ khi tiến hành giao dịch mà không công bố thông tin đã bị xử phạt như: ông Phan Thanh Phong (Phó Tổng giám đốc CTCP Hàng hải Sài Gòn) bị phạt 10 triệu đồng; bà Tống Nữ Hoài Hương (người có liên quan với ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn) đã bán CP GMC nhưng không công bố thông tin; Công ty Hong Long Limited là cổ đông nội bộ của CTCP Hợp tác sản xuất nhập khẩu Savimex đã mua 100.000 CP SAV vào các ngày 27 và 28-9 cũng không công bố…

Từ trước đến nay, UBCKNN chỉ dùng biện pháp phạt tiền, chưa áp dụng các biện pháp khác như xử phạt bổ sung hay khắc phục hậu quả. Theo Thông tư số 97 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 36 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK, Chánh Thanh tra CK, Chủ tịch UBCKNN có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền tối đa đến 70 triệu đồng; áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Song để xác định hành vi đó gây những hậu quả như nào để xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả là không dễ.

Theo ông Hoàng Đức Long, Chánh Thanh tra UBCKNN, qua kết quả kiểm tra, có nhiều trường hợp vi phạm lần thứ nhất là do vô tình, không nắm được luật lệ, tuy nhiên nếu tiếp tục vi phạm lần thứ hai thì không thể chấp nhận lý do không biết mà phải bị xử phạt. Thế nhưng, có một thực tế là Luật Chứng khoán đã có hiệu lực từ 1-1-2007, các văn bản hướng dẫn thi hành đã khá đầy đủ nhưng các cổ đông VIP vẫn viện lý do  “không biết” để giải trình khi bị phạt, cảnh cáo. Phải chăng mức phạt nhẹ nên các cổ đông VIP không sợ?

Ông Hoàng Đức Long cho biết: “Khi bị xử phạt, các cổ đông nội bộ thường xin bỏ qua, họ ngại phải mang tiếng với các cổ đông khiến khi đại hội họ có thể bị bãi chức, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không phạt. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng do còn hạn chế công tác phổ biến luật, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm quy định mà không biết.

Do vậy, đối với những trường hợp vi phạm do không biết thì mức độ xử lý cũng khác. Điều này cũng phân biệt rõ với giao dịch mang tính chất nội gián với giao dịch nội gián, chúng tôi đều tìm hiểu kỹ, thận trọng và cương quyết xử phạt cũng như áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả”.

Công bố thông tin: yếu kém

Liên quan đến việc công bố thông tin, qua kiểm tra các công ty niêm yết, cho thấy việc lập báo cáo và công bố thông tin của các doanh nghiệp còn bộc lộ những yếu kém nhất định, kể cả khi Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành. Chính vì vậy, Thanh tra UBCKNN đã có công văn nhắc nhở các công ty niêm yết phải quán triệt Thông tư số 38/2007/TT-BTC về việc công bố thông tin trên TTCK; sớm ban hành quy trình lập báo cáo và công bố thông tin phù hợp với đặc điểm về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình (phải quy định rõ về tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm của từng người có liên quan đến việc thực hiện công bố thông tin,…).

HĐQT và ban giám đốc công ty phải phổ biến quy định công bố thông tin, giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ tại hội nghị đại hội đồng cổ đông trong kỳ tới để cho các thành viên nội bộ thực hiện nghiêm túc quy định báo cáo.

Thanh tra UBCKNN cũng yêu cầu ban lãnh đạo các công ty cần có sự quan tâm thích đáng đến công tác lập báo cáo và công bố thông tin, cử cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp tham gia vào quá trình soạn thảo báo cáo và thực hiện công bố thông tin, tạo điều kiện cho người công bố thông tin tham gia các khóa đào tạo về CK, TTCK và thực hiện công theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, các công ty cần chủ động hơn trong việc thực hiện công bố thông tin bất thường, các thông tin phải công bố trong vòng 24 giờ đối với  các thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.

Hà My 

Cần xem lại nguồn nhân lực các CTCK

Khi TTCK nóng lên thì liên tiếp đại diện các CTCK bị HOSE cảnh cáo công khai. Tuần qua, HOSE tiếp tục công bố xử phạt cảnh cáo 17  đại diện giao dịch của các CTCK do hủy lệnh trong cùng đợt khớp lệnh định kỳ, nhập lệnh không đúng quy trình, nhập lệnh ATO để giao dịch CP mới niêm yết gồm: CTCK Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL; CTCK Ngân hàng Nông nghiệp;  CTCK Đệ Nhất; CTCK Ngân hàng Đầu Tư; CTCK Hải Phòng; CTCK Tràng An; CTCK  VPBank; CTCK Quốc tế Việt Nam;  CTCK  Ngân hàng Á Châu; CTCK  Chợ Lớn; CTCK  Sài Gòn; CTCK  Alpha; CTCK  Vina; CTCK  Hướng Việt; CTCK Châu Á- Thái Bình Dương; CTCK Đại Việt; CTCK  Ngân hàng An Bình. 

Một vấn đề được đặt ra là tại sao với các CTCK – mức độ nhận thức và tuân thủ pháp luật về chứng khoán phải cao hơn nhà đầu tư, doanh nghiệp – cũng lại liên tiếp mắc những sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ. Một quan chức của UBCKNN nhận xét: Trong bối cảnh nhân lực cho ngành chứng khoán còn hạn chế mà các CTCK lại đua nhau thành lập nên có thể dẫn đến việc chất lượng nhân lực không được đảm bảo. Việc xử phạt các đại diện và công khai thông tin như vậy sẽ giúp các công ty củng cố lại nhân lực trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm của đại diện giao dịch cũng phải tuân theo các mức độ từ nhẹ đến nặng như: nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ tư cách đại diện giao dịch, đình chỉ giao dịch của thành viên, chấm dứt tư cách đại diện giao dịch, thành viên.

H.My -T.Đăng 

Tin cùng chuyên mục